American Unagi – “Ngôi sao”cá chình RAS

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau hơn 10 năm nuôi cá chình, bà Sara Rademaker – người sáng lập American Unagi – nhận thấy tiềm năng của ngành này ở New England. Hiện bà có trại nuôi cá chình lớn nhất nước Mỹ.

Nơi chắp cánh ước mơ 

Với quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn, bà rời xa quê nhà Indiana và bén duyên với ngành nuôi trồng thủy sản và nghề cá từ ngôi trường đại học Auburn ở Alabama. Khi còn là sinh viên, bà thực tập tại một trại nuôi thủy sản và phòng thí nghiệm các bệnh về cá. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc cho một dự án phát triển nuôi trồng thủy sản do Auburn và USAID hợp tác tại Uganda. Khoảng thời gian này, lòng nhiệt thành với nghề cá của bà càng được nuôi dưỡng sâu sắc hơn. 

Cá chình thủy tinh mất vài tháng để thu hoạch

Rademaker bắt tay vào khởi nghiệp năm 2012. Thời điểm đó, cá chình đang là đối tượng được chú ý tại Maine và bà thắc mắc “tại sao không một ai nuôi cá chình trên đất Mỹ, trong khi chúng đang được sử dụng nhiều cho món ăn sushi?!”. Qua tìm hiểu, bà được biết cá chình thủy tinh được vận chuyển về Trung Quốc để nuôi lớn, sau đó Mỹ mua lại từ Trung Quốc để tiêu dùng trong nước. Người dân nước Mỹ cũng rất mong chờ sản phẩm cá chình nội địa, bởi khi ấy cá chình nhập khẩu đang chịu “tai tiếng” về gian lận thương mại. 

Cá chình thủy tinh tại bể nuôi của American Unagi.

Từng bước đi cẩn thận 

Rademaker cho biết muốn áp dụng mô hình RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn), nhưng việc tìm đối tượng nuôi thích hợp không phải dễ dàng, hơn nữa tài chính lúc đó cũng không cho phép bà mạo hiểm thử nghiệm nuôi nhiều loài. Bà cho biết đã tìm hiểu và chứng kiến nhiều trại nuôi mô hình RAS thất bại, rất ít người thành công, đặc biệt ở Mỹ. Do đó, ngày đầu “khởi nghiệp”, bà Rademaker chỉ nuôi cá chình (Anguilla rostrata) ở tầng hầm của nhà mình, sau đó mới mở rộng dần quy mô lên vài nghìn con, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và thuê thêm người. “Chúng tôi thực hiện một vài mùa cá chình thành công trong 4 năm, rồi sau này mới đầu tư thành một cơ sở nhỏ”, bà cho biết. 

Bà Sara Rademaker, người sáng lập American Unagi, trại cá chình thủy tinh lớn nhất nước Mỹ

Rademaker học hỏi từ mô hình và phương pháp nuôi cá chình của người châu Âu, đồng thời thay đổi thức ăn và thông số chất lượng nước phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Mỹ. Đối với bà, mặc dù cá chình khó nuôi, nhưng đây là một loài thủy sản khá thú vị và đang trên đà phát triển. Bà giải thích: “Cá chình là một trong số rất ít loài cá sinh trưởng thành công trong mô hình RAS, chúng có thể phát triển khỏe mạnh ngay cả khi mật độ nuôi dày đặc”. 

Hiện nay, với kinh nghiệm dày dặn, từ 240 kg cá chình thủy tinh bà có thể tạo ra 240 tấn cá chình trưởng thành cung cấp cho thị trường tiêu dùng mỗi độ xuân về. Cá giống chỉ từ 0,15 – 0,18 g – kích thước bằng một que tăm và hoàn toàn trong suốt. Bà nuôi chúng trong thời gian 8 tháng hoặc 2 năm, kích cỡ thu hoạch tùy thuộc nhu cầu thị trường. Hầu hết cá chình của Rademaker được bán cho các nhà hàng làm sushi (món unagi trong ẩm thực của Nhật Bản), ngoài ra công ty của bà đang phát triển món cá chình xông khói cũng rất đắt hàng. 

>> Từ thành công của Rademaker, dường như nhiều người đang muốn đi theo con đường của bà, dấn thân vào ngành nuôi cá chình. Tuy vậy, thông điệp bà muốn gửi tới mọi người là: mô hình này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và sự quyết tâm cao. “Nuôi trồng thủy sản rất gian nan. Thành công yêu cầu sự cam kết và bền bỉ. Điều quan trọng trong nuôi cá chình là bạn phải hiểu rõ về chúng” - bà Rademaker chia sẻ. 

An Vy

(Theo Thefishsite)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!