Bình Thuận: Nâng cao nhận thức cộng đồng trong khai thác, bảo vệ môi trường biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Chi cục Biển và Hải đảo được thành lập trên cơ sở Phòng Chi cục Biển và Hải đảo trước đây, trực thuộc Sở Tài nguyên Môi trường, có chức năng quản lý nhà nước về tổng hợp, thống nhất, quản lý các vấn đề của biển đảo trên địa bàn tỉnh… Phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Minh Mạnh – Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo để làm rõ thêm vấn đề này.

Thưa ông, nhiệm vụ của Chi cục Biển và Hải đảo Bình Thuận có gì mới so với Phòng Chi cục Biển và Hải đảo trước đây?

– Ông Tạ Minh Mạnh: Trước đây cấp phòng có 6 nhiệm vụ thì chi cục có đến 15 nhiệm vụ. Cụ thể được phân cấp mạnh hơn, như chi cục có nhiệm vụ đánh giá tài nguyên, tiềm năng, thực trạng khai thác, sử dụng các vùng biển, ven biển, hải đảo; đề xuất nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đơn vị thực hiện quan trắc biến động, dự báo xu thế biến động; xác định các vùng bờ biển dễ bị tổn thương và biến đổi lớn (bãi bồi, vùng biển xói lở, vùng bờ cát, rừng phòng hộ, đất ngập nước ven biển), đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ bờ biển… Đồng thời, chi cục điều tra, kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, hải đảo từ các nguồn phát sinh do hoạt động khai thác ở đó, các sự cố thiên tai trên biển; thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố môi trường bờ biển. Đơn vị cũng triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng phát triển công nghệ biển, ven biển; thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo trên địa bàn của tỉnh…

 

Đội tàu khai thác xa bờ của ngư dân Phan Thiết. 

Qua những nhiệm vụ như vậy có giúp phát triển kinh tế của tỉnh?

Thông qua điều tra, xây dựng các dự án sâu hơn, có cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường toàn tỉnh, qua đó chi cục đề xuất Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu UBND tỉnh quản lý tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo. Chẳng hạn về biển có: sinh vật biển (hải sản tái tạo được), phi sinh vật biển (dầu khí không tái tạo được), vị thế biển (vị trí địa lý cho phát triển kinh tế). Hay quản lý tổng hợp vùng đới bờ có vùng biển ven bờ (cách bờ 6 hải lý), vùng đất ven biển; để tỉnh định hướng khai thác đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển phù hợp các lĩnh vực kinh tế; xây dựng, nạo vét cảng biển hợp lý, phục vụ cho các khu công nghiệp hình thành trong tương lai, như Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 và 2…

Trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; sự cố dầu vón thành cục tràn vào bờ biển đảo Phú Quý vừa qua, chi cục phối hợp giải quyết như thế nào và nguyên nhân này do đâu?

Sau khi sự cố xảy ra, chi cục phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu phía Nam ra đảo Phú Quý xác định hiện trạng ban đầu số dầu vón thành cục tràn vào bãi biển chỉ số lượng ít; bước đầu thu gom đưa số dầu vón cục vào bãi rác tập trung của huyện đảo chờ xử lý. Đồng thời, đoàn tiến hành lấy mẫu dầu gửi xét nghiệm tại TP. HCM, xem giếng dầu nào đang hoạt động trên biển gây ô nhiễm. Hiện Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu phía Nam tại TP. HCM cho biết, dầu vón cục trên do tàu vận chuyển dầu nước ngoài hoạt động ở vùng biển quốc tế đã xả cặn dầu ra ngoài, trong quá trình trôi nổi vón thành cục tràn vào bờ biển Phú Quý.

Trong nhiệm vụ của mình, Chi cục Biển và Hải đảo có thể hỗ trợ gì cho ngư dân đánh bắt trên biển và người dân huyện đảo của tỉnh ta?

Chi cục phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền cho ngư dân trong tỉnh nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác hải sản đúng quy định, cấm dùng phương tiện đánh bắt hủy diệt, nuôi dưỡng nguồn hải sản lâu dài cho ngư dân; bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo. Hiện chi cục cùng các ban ngành có kế hoạch triển khai Quyết định số 1359 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án 373 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo. Theo đó, cán bộ, công chức, ngư dân thuộc 36 xã, phường, thị trấn ven biển đã và đang được tập huấn, trang bị tài liệu phổ biến những kiến thức pháp lý cơ bản về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, hải đảo. Chúng ta phải nâng cao nhận thức “Không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng”.

Theo ông, làm thế nào để Chi cục Biển và Hải đảo thực hiện tốt công tác mới mẻ và không ít khó khăn này trong tình hình hiện nay?

Hiện chi cục đang kiện toàn tổ chức các phòng chuyên môn nghiệp vụ, cử 2 cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước về một số lĩnh vực chuyên môn sâu (địa chất khoáng sản, môi trường…). Chi cục cũng đang thực hiện 2 dự án về điều tra, đánh giá môi trường cửa sông, trầm tích ven biển và điều tra cơ bản tài nguyên biển; phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh…

Thái Khoa

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!