Cấu trúc lại ngành thủy sản phù hợp với xu thế cạnh tranh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 26/8 tại tỉnh Quảng Bình, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển để thảo luận về các giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU.

Ngành thủy sản nước ta đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức, trong đó khó khăn lớn nhất có lẽ là cần sớm gỡ thẻ vàng IUU. Trước khi bị áp thẻ vàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đóng góp 1- 1,4 tỷ USD mỗi năm (chiếm 15-17% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đi các thị trường). Tuy nhiên, sau cảnh báo thẻ vàng từ năm 2017, xuất khẩu thuỷ sản khai thác của Việt Nam liên tục giảm. Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, xuất khẩu sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Năm 2020, xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất vì tác động kép từ thẻ vàng của EC và đại dịch Covid-19. 

Khu neo đậu tránh bão tại cảng cá Thuận An, Thừa Thiên Huế. ST

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản như: Chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho ngư dân. Đặc biệt ngành thủy sản cần chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng nhưng vẫn cần đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu. Không chỉ vậy, các địa phương cần nghiên cứu mô hình đồng quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển các khu bảo tồn biển vừa mang lại giá trị kinh tế đồng thời có thể giảm thiểu khai thác kiểu tận diệt. 

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết hiện toàn tỉnh có khoảng 6.000 tàu cá với khoảng 3.600 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên, trong đó hơn 1.100 tàu từ 15 m trở lên tham gia sản xuất, khai thác thủy sản. Thông qua cuộc họp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mong muốn nhận được những ý kiến gợi mở để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về biển, trong đó có những lĩnh vực đang còn rất mới như phát triển nuôi biển, chuyển đổi số trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý đội tàu cá, khai thác, chế biến thủy sản.

Cảnh sát biển tăng cường chống khai thác thủy sản trái phép. Ảnh: ST

Liên quan đến các giải pháp chống khai thác IUU góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển ngành thủy sản bền vững, theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), hiện có 15 tỉnh đã thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương. Tuy nhiên, việc thành lập kiểm ngư địa phương vẫn còn vướng mắc về biên chế và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Các địa phương cần sớm kiện toàn và thành lập kiểm ngư địa phương bởi đây là lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm hành chính. 

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Trong giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU, ngoài công cụ bằng pháp luật còn có sức mạnh cộng đồng và nguồn lực kinh tế. Điều quan trọng là cần cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên hệ sinh thái gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân. Liên quan đến vấn đề chống khai thác IUU, theo Bộ trưởng để phát triển bền vững ngành thủy sản thì cảng cá rất quan trọng. Cần tìm giải pháp kết nối tất cả cảng cá với cảng chính, đầu tư hiện đại hóa và mở rộng không gian cảng. Cảng cá không chỉ là nơi tàu vào, tàu lên xuống mà còn là trung tâm cung cấp các dịch vụ, trở thành nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm cho ngư dân.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để giảm gánh nặng cho nhà nước về xây dựng cảng, hướng đến mục tiêu lâu dài là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính cạnh tranh cao, có kiểm soát, được quản lý theo khuyến nghị của quốc tế nhằm tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề mang tính toàn cầu.

>Tính đến tháng 8/2023 cả nước có 86.130 tàu cá. Tổng số tàu cá đã đăng ký, nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFISHBASE) là 71.706 chiếc, còn 14.424 chiếc chưa đăng ký. Diện tích nuôi trồng thủy sản tại các địa phương khoảng 1,16 triệu ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,85 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu ước đạt 4,95 tỷ USD.

>Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ tăng số cảng cá từ 125 như hiện tại lên 172 cảng cá trong tương lai, cùng với đó số lượng tàu cá giảm xuống còn khoảng 83.000 tàu. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và quản lý, truy xuất nguồn gốc được toàn bộ thủy sản khai thác và nuôi biển.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!