Công thức thức ăn cân bằng dinh dưỡng và chi phí

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chất lượng dinh dưỡng quan trọng hơn thành phần. Do đó, các hãng sản xuất cần phải cân bằng giá trị dinh dưỡng và chi phí trong công thức thức ăn.

Các công thức thức ăn đang có xu hướng thay đổi do cuộc đa khủng hoảng, gồm biến đối khí hậu, đại dịch COVID và yếu tố Trung Quốc. Một vấn đề lo ngại chủ yếu là nguồn cung và chất lượng của nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, tình trạng bất ổn của mạng lưới thương mại toàn cầu vẫn dai dẳng. Nguồn cung các thành phần thức ăn quen thuộc đã không còn dồi dào như trước đây, trong khi giá biến động liên tục. Một thực tế khác là giá bán các sản phẩm thủy sản không tăng nhanh như chi phí thức ăn, buộc người nông dân phải tìm cách đạt được hiệu quả chi phí trong sản xuất. 

Chi phí thức ăn cũng là lo ngại lớn đối với ngành tôm. Giá thành phần thức ăn cao hơn, buộc các công ty thức ăn chăn nuôi phải tăng giá bán. Thức ăn 36% protein thô (CP) có chi phí sản xuất 1,25 USD/kg, tức là đã tăng 20%. Giá hàng hóa đang giảm nhưng không quay lại mức trước COVID-19. Do đó, ngành NTTS, đặc biệt là ngành tôm phải chấp nhận thực tế này, nhưng nghịch lý là giá tôm cổng trại cũng đang giảm. Dịch bệnh vẫn đe dọa ngành tôm châu Á, kéo theo tỷ lệ sống chỉ còn 55 – 60%. Nuôi tôm không hiệu quả, cộng với chi phí thức ăn và năng lượng cao đã trực tiếp đội giá thành mặt hàng tôm từ 3,20 USD/ kg lên 3,70 USD/kg vào năm 2022. 

Theo truyền thống, các chuyên gia công thức thức ăn thủy sản vẫn “bảo thủ” trong các phương pháp xây dựng công thức. Cụ thể, họ chỉ tập trung vào một số thành phần quen thuộc mặc dù nguồn cung hạn chế như bột cá, dầu cá. Nhưng ngày nay, có rất nhiều thành phần thức ăn mới xuất hiện với khả năng thay thế bột cá, dầu cá. 

Đậu tương là thành phần phổ biến nhất trong thức ăn thủy sản công nghiệp và thường chiếm tỷ lệ 15 – 50% trong công thức thức ăn. Nhưng đậu tương chưa xử lý chứa ít nhất 14 chất kháng dinh dưỡng tiềm ẩn nguy hại đến sức khỏe tôm. Điều này mở ra cơ hội cho các thành phần thức ăn thay thế, nhưng đòi hỏi giá bán phải hợp lý và nguồn cung ổn định. Những thức ăn thay thế tiềm năng không thể bỏ qua là protein đơn bào 71% CP, bột côn trùng 50% CP và DDGS 28% CP… 

Tuy nhiên, thay vì chú trọng vào các thành phần, các hãng sản xuất thức ăn, đặc biệt các chuyên gia công thức cần tập trung vào chất lượng dinh dưỡng của thành phần đó vì chất lượng dinh dưỡng mới là thứ mà vật nuôi cần. Trong bối cảnh ngành NTTS liên tục mở rộng trên phạm vi toàn cầu, lĩnh vực thức ăn sẽ cần sử dụng rất nhiều nguyên liệu và thành phần mới. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để mở rộng sản xuất nhưng không tốn quá nhiều diện tích? Một chiến lược đáng cân nhắc là tận dụng tối đa các chất dinh dưỡng có trong thành phần hoặc nguyên liệu thức ăn. Công cụ để thực hiện chiến lược này là sử dụng sự hỗ trợ từ các chất phụ gia. Điều này đặt ra nhu cầu phải nâng cao kiến thức về dinh dưỡng, bởi đó chính là công cụ để xây dựng công thức thức ăn hiệu quả hơn. 

Sử dụng cơ sở dữ liệu công thức thức ăn toàn diện giúp các chuyên gia dinh dưỡng “mở khóa” một thành phần thức ăn mới trong công thức; từ đó nắm được cách sử dụng hiệu quả hơn và cách giảm chi phí. Cơ sở dữ liệu công thức thức ăn thủy sản thương mại đầu tiên ra đời năm 2014, còn gọi là Cơ sở dữ liệu công thức thức ăn thủy sản quốc tế. Khi kết hợp với một chương trình xây dựng công thức thức ăn tốt, các vấn đề liên quan đến chi phí hay hiệu quả của thức ăn cũng được giải quyết thuận lợi hơn. 

LUKAS MANOMATIS 

Hội đồng Xuất khẩu đậu tương Mỹ (USSEC) 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!