Công nghệ nuôi cá trong ao lót vải bạt nhựa: Đang ảnh hưởng xấu đến môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần đây, phong trào nuôi thủy sản trong ao lót vải bạt nhựa trên địa bàn huyện Phù Mỹ (Bình Định) trở nên rầm rộ, tổng sản lượng lên đến khoảng 500 tấn/năm. Việc này đem lại lợi ích kinh tế nhất định cho bà con; tuy nhiên, giải quyết bài toán môi trường từ đó lại không dễ.

Những ngày nắng nóng vừa qua, tôi đến thôn Hòa Tân, nơi có phong trào nuôi cá trong ao lót vải bạt mạnh nhất xã Mỹ Đức. Anh Trương Minh Bé, Trưởng thôn Hòa Tân, cho biết: “Phong trào nuôi cá lóc ở xóm 7 đang phát triển mạnh và hiện nay đã lan tỏa ra các xóm 8, xóm 9. Việc bà con nuôi cá khiến chính quyền xã Mỹ Đức và nhiều bà con trong thôn lo lắng. Số lượng người nuôi cá trong ao lót vải bạt ngày càng nhiều, số ao và tổng diện tích mặt nước các ao ngày càng lớn, mật độ cá trong các ao ngày càng dày… hệ quả là mùi tanh tưởi càng thêm nồng nặc. Những ngày nắng nóng vừa qua thì phải nói là không thể chịu nổi”. Không chỉ có mùi hôi tanh, nước thải không qua xử lý từ các ao cá xả ra môi trường đã thẩm thấu vào tầng ngầm, khiến nhiều giếng nước bị nhiễm bẩn. Ông Nguyễn Sinh Hùng, một người dân ở xóm 7, bức xúc: “Họ xả nước thải tràn lan, khiến nước giếng bị nhiễm bẩn, hôi tanh lắm, không chịu nổi. Bây giờ lấy nguồn nước nào dùng đây?”. Không riêng ông Hùng, nhiều hộ dân khác ở xóm 7 có giếng bị hỏng, không thể lấy nước uống như trước đây, cũng có nỗi bức xúc tương tự.

Ao nuôi cá trê lót bạt nhà anh Trương Minh Bé sắp thu hoạch.

Ở thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, việc nuôi cá trong ao lót vải bạt nhựa cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tương tự. Theo thống kê của xã, toàn xã có 30 hộ nuôi cá lóc, cá trê trong ao lót vải bạt nhựa, tập trung ở xóm An Tịnh B. Hầu hết các ao nuôi kiểu này đều không có hệ thống xử lý nước thải thay súc hồ mỗi ngày. Chất thải từ ao cá như: thức ăn thừa, phân cá… với khối lượng lớn được người nuôi cá xả ra trong vườn nhà. Nhiều hộ còn xả ra luôn cả mặt đường, lối đi trong xóm, trong thôn, gây mùi hôi tanh nồng nặc. Nền đất ẩm ướt khiến mùi hôi lưu cữu rất lâu.

Ông Huỳnh Văn Khải, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Lợi, quan ngại: “Việc nuôi cá trong ao lót vải bạt nhựa đem lại thu nhập khá, giải quyết việc làm, giúp đời sống của bà con ổn định hơn. Nhưng hệ quả cũng rất đáng lo, trước mắt là môi trường xấu đi nhanh chóng, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn nghiêm trọng… Nhiều người đã tỏ ra bức xúc, tôi nghĩ chính quyền nên sớm can thiệp để tìm ra giải pháp tích cực, sao cho vừa đảm bảo sản xuất, vừa giữ được môi trường!”.

Ở huyện Phù Mỹ, việc nuôi cá trong ao lót vải bạt nhựa đã lan rộng, nhiều nhất là các xã: Mỹ Đức, Mỹ Lợi, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng… và vẫn đang phát triển rất nhanh. Nếu vấn đề môi trường không được xử lý một cách rốt ráo, thì việc này sẽ khó tránh khỏi cảnh “lợi bất cập hại”.

Xuân Lộc

Theo Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!