Đề án 52 ở Khánh Hòa: Cơ hội vàng cho người dân miền biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Khánh Hòa có 49 xã, phường, thị trấn thuộc vùng biển, ven biển, đảo, với dân số trên 488.000 người, trong đó trên 82.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Sau hơn 3 năm triển khai, Đề án 52 đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Thay đổi nhận thức

Là một xã đảo, cách xa trung tâm nhất trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, với nghề chính là đánh bắt thủy sản trên biển, người dân Ninh Vân ít chú trọng tới công tác dân số; trong khi, nhu cầu có nhiều lao động tăng cao nên chất lượng đời sống của người dân còn thấp, công tác tuyên truyền vận động thực hiện KHHGĐ cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi nghề trồng tỏi và khai thác rong mơ phát triển, đời sống kinh tế được cải thiện, nhận thức của người dân nơi đây về vấn đề DS – KHHGĐ cũng được nâng cao. Nhờ các đợt tuyên truyền và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong chương trình Đề án 52, người dân đã được tiếp cận và tìm hiểu về các dịch vụ chăm sóc SKSS, cải thiện dần tư tưởng trọng nam khinh nữ, sinh nhiều con. Anh Lê Văn Bảo, một người dân xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa cho rằng, quan trọng là thay đổi nhận thức, việc dừng lại ở 2 con là phù hợp và chăm sóc con cái cho tốt, kinh tế gia đình phát triển ổn định. 

Đề án 52 đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân miền biển Khánh Hòa

Không riêng ở Ninh Vân, tại các địa phương khác đang triển khai Đề án, hiệu quả bước đầu sau hơn 3 năm thực hiện có thể nhận thấy ngay được là số người được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tăng theo từng năm. Cụ thể năm 2009, toàn tỉnh có hơn 8.700 lượt phụ nữ vùng biển, ven biển được khám, điều trị phụ khoa và thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS; năm 2010 con số này đã lên tới hơn 13.500 lượt, và năm 2011 là 21.000 lượt người…

Không chỉ tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; chất lượng nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất tại 49 xã, phường, thị trấn đang được hưởng thụ Đề án cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, một số mô hình, câu lạc bộ đã ra đời và hoạt động khá hiệu quả, ngăn ngừa đáng kể số trẻ em vùng biển, đảo và ven biển bị dị tật, thiểu năng trí tuệ.

 

Nâng cao chất lượng dân số

Bà Huỳnh Thị Hiên, Chi cục phó Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh cho biết, một trong những hoạt động ngày càng có hiệu quả là việc nâng cao chất lượng dân số cho người dân vùng biển, đảo, các chỉ tiêu về KHHGĐ, các mô hình như sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân được cải thiện. Chi cục đã phối hợp có hiệu quả và đồng bộ với các đơn vị như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, nhà trường… tham gia tuyên truyền, vận động các đối tượng thực hiện công tác DS – KHHGĐ.

Kinh tế biển ở Khánh Hòa đang ngày một phát triển

Ngoài các đối tượng là người làm việc và sinh sống ven biển, trên đảo, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực biển, đảo và trên biển, Đề án cũng ưu tiên cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, người dân sống và làm việc tại các cửa sông, cửa biển. Thông qua các đội lưu động y tế – KHHGĐ, Đề án sẽ tiến hành truyền thông, tư vấn nâng cao hiểu biết và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, CSSKBMTE, KHHGĐ nhằm đảm bảo cung cấp thông tin và dịch vụ cho hơn 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch về thực hiện các biện pháp tránh thai năm 2012 trên mỗi địa bàn.

Đồng thời, Đề án 52 cũng tập trung vào các hoạt động nâng cao chất lượng dân số đầu đời, nhất là nhóm đối tượng bà mẹ mang thai, theo dõi, tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ trước sinh và sau sinh như: tư vấn chăm sóc thai và hỗ trợ khám thai định kỳ, cấp thuốc Acid Polic sắt cho các bà mẹ mang thai, kiểm tra sức khỏe và các yếu tố nguy cơ cao. Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi địa bàn thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện sớm các loại tật, bệnh thai; đồng thời, đưa vào thí điểm khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên và đối tượng chuẩn bị kết hôn.

Nhờ việc triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án 52, 9 tháng đầu năm 2012, công tác DS – KHHGĐ của Khánh Hòa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sinh con thứ ba còn 7,7%, giảm 3,3% so với với kế hoạch năm; triệt sản đạt 72,5%; dụng cụ tử cung đạt 78,4%; thuốc tiêm tránh thai đạt 103,2% so với kế hoạch năm; thuốc cấy tránh thai đạt 20,8%; viên uống tránh thai đạt 103,1%; bao cao su đạt 101,3%.

>> Năm 2012, Đề án 52 được triển khai tại 46/49 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Khánh Hòa gồm: TP. Nha Trang (9 đơn vị), TP. Cam Ranh (11 đơn vị), huyện Vạn Ninh (10 đơn vị), thị xã Ninh Hòa (11 đơn vị) và huyện Cam Lâm (5 đơn vị).

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!