Đề án 52 tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Vì những công dân biển khỏe mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, Bà Rịa – Vũng Tàu còn thường xuyên quan tâm nâng cao đời sống người dân, không ngừng cải thiện chất lượng dân số, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án 52.

Thủy sản là mũi nhọn

Bà Rịa – Vũng Tàu có chiều dài bờ biển lên tới 305,4km, đặc biệt, nằm trong ngư trường được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết ôn hòa, ít khi xảy ra gió bão mạnh nên rất thuận lợi cho hoạt động khai thác, nhất là khai thác gần bờ có thời gian hoạt động 200 – 250 ngày/năm. Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh cũng chuyển dần từ hình thức nuôi quảng canh sang quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Với 7.852 ha diện tích mặt nước, sản lượng nuôi thủy sản hàng năm đạt gần 19.000 tấn, chủ yếu tập trung tại các vùng nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Tân Thành và thị xã Bà Rịa. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số vùng nuôi cá và các loại thủy sản khác phục vụ cho xuất khẩu với những sản phẩm nổi tiếng như ngọc trai, ốc hương và cá mú tại Côn Đảo.

Buổi sáng nhộn nhịp tại làng chài ở Vũng Tàu – Ảnh: CTV

Tỉnh cũng đang khẩn trương xúc tiến nhằm sớm hình thành khu chế biến hải sản tập trung vào năm 2015, để di dời toàn bộ các nhà máy nằm trong khu dân cư và trong các đô thị vào khu chế biến tập trung; tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến hải sản với công nghệ hiện đại, trang thiết bị kỹ thuật và đổi mới công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 9.000; tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá các loại; đồng thời, đẩy mạnh việc sản xuất giống nhân tạo bảo đảm nhu cầu giống thủy sản ngày càng tăng cao về số lượng và chất lượng.

 

Chú trọng chất lượng dân số

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, công tác DS – KHHGĐ tại các địa phương cũng luôn được chú trọng. Đã có nhiều chương trình, đề án được thực hiện, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Đề án 52 từ năm 2009. Theo đó, đã có hàng loạt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Mới đây, ngày 2/4/2013, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đã triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt I/2013 (từ 3/4 – 20/6). Với 21 xã, phường, thị trấn vùng khó khăn, có mức sinh cao thuộc 6 huyện, thành phố (TP Vũng Tàu, các huyện Tân Thành, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc) được triển khai.

Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện cuộc sống người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác DS – KHHGĐ

Chiến dịch nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động hỗ trợ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các vùng có mức sinh cao, vùng biển, đảo, góp phần thực hiện chỉ tiêu công tác DS – KHHGĐ năm 2013 và nâng cao chất lượng dân số. Mục tiêu đặt ra: triệt sản đạt 60% chỉ tiêu kế hoạch năm; dụng cụ tử cung phòng tránh thai 75%; thuốc tiêm, cấy tránh thai đạt 60%; Tập trung tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách DS – KHHGĐ; Cung cấp thông tin về SKSS/KHHGĐ cho 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, nam giới, người chưa thành niên, thanh niên sắp kết hôn trên địa bàn chiến dịch; Khám, xét nghiệm và hướng dẫn điều trị các bệnh phụ khoa cho các đối tượng tham gia chiến dịch…

 

Điểm sáng dân số

Là một trong những địa bàn triển khai thực hiện Đề án; trong những năm qua, công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ của TP Vũng Tàu luôn đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức lớn đó là mức sinh đã giảm nhưng tiềm ẩn những nguy cơ thiếu bền vững, tỷ số giới tính khi sinh vượt mức bình thường (110 nam/100 nữ), tình trạng nhiễm khuẩn nhất là nhiễm khuẩn sinh sản, các bệnh lây qua đường tình dục và nhiễm HIV/AIDS còn cao. Chính vì vậy, công tác dân số cần tăng cường tuyên truyền, vận động và huy động sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể.

Năm nay, phường Thắng Tam được UBND TP Vũng Tàu chọn làm điểm phát động Đề án và chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Theo đánh giá của Trung tâm DS – KHHGĐ thành phố, Thắng Tam là địa bàn có số dân nhập cư đông, trình độ dân trí không đồng đều, đa số người dân buôn bán nhỏ và làm các công việc lao động phổ thông nên việc thực hiện công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác tuyên truyền về dân số được tăng cường nên chị em phụ nữ trên địa bàn phường có sự hiểu biết khá tốt về vấn đề về chăm sóc SKSS. Cùng với phường Thắng Tam, chiến dịch còn đồng loạt tiến hành tại tất cả 17 phường, xã của TP Vũng Tàu. Với mục tiêu, đảm bảo 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản trên địa bàn thành phố được cung cấp thông tin, tư vấn về SKSS/KHHGĐ, khám và điều trị bệnh phụ khoa thông thường. Trong đợt I của chiến dịch, phấn đấu hoàn thành 60% chỉ tiêu kế hoạch triệt sản, 75% đặt dụng cụ tử cung, 60% thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai…

>> Ông Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, năm 2013, chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ được thực hiện trên toàn tỉnh. Để công tác dân số đạt hiệu quả cao, các cấp ủy đảng, chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, vận động; cán bộ làm công tác dân số tiếp tục đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc…

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!