Đề án 52 tại Cát Hải – Hải Phòng: Khi truyền thông đạt hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Đề án 52 được triển khai từ năm 2009 tại 100% các xã, thị trấn thuộc huyện đảo Cát Hải; sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân đã giúp kiểm soát quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Thủy sản là thế mạnh

Tại huyện Cát Hải hiện có 11/12 xã, thị trấn có phương tiện làm nghề khai thác và dịch vụ thủy sản. Sản lượng đánh bắt thủy sản bình quân trên 3.300 tấn/năm. Từ năm 1995 đến nay, nghề nuôi cá lồng bè luôn phát triển rầm rộ. Huyện có hơn 10.000 ha mặt nước biển phát triển nuôi thủy sản nước mặn với 492 bè, 7.777 ô lồng và 236 giàn bè. Sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân hơn 4.017 tấn/năm. Cùng đó là sự phát triển sản xuất nước mắm; đến nay, huyện có 3 doanh nghiệp và gần 100 hộ chế biến nước mắm, sản lượng bình quân 4,5 triệu lít/năm… Nhiều mô hình nuôi thâm canh công nghiệp, tôm thẻ chân trắng đã thành công.

Khai thác thủy sản vẫn là thế mạnh của Hải Phòng – Ảnh: Đức Lợi

Thế mạnh này được khai thác triệt để khi triển khai công tác DS – KHHGĐ, với kỳ vọng công tác này khi được làm tốt sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển ngày càng hiệu quả hơn.

 

Nâng cao chất lượng dân số

Bà Nguyễn Thị Năm, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Cát Hải cho biết, Đề án 52 đã được triển khai tới 10 xã và 2 thị trấn của huyện Cát Hải với các hoạt động tuyên truyền, giám sát, kết hợp khám, tư vấn phát thuốc cho ngư dân… Năm 2013, Trung tâm đã khám thai và tư vấn mang thai cho 607 phụ nữ với 1.230 lượt khám, 575 người được tiêm phòng uốn ván tại các cơ sở y tế; đã phát hiện 10 trường hợp mang thai bất thường, phải theo dõi thường xuyên.

Trung tâm DS – KHHGĐ cũng phối hợp Trung tâm Y tế huyện tổ chức đội lưu động tư vấn, khám và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục cho chị em trong tuổi sinh đẻ. Chiến dịch truyền thông lồng ghép tại các địa điểm dịch vụ quy định tại Trạm y tế, 925 phụ nữ đã được khám và 308 người đã được điều trị. Cùng với hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm còn phối hợp với Đồn Biên phòng Cát Bà và Ban DS – KHHGĐ thị trấn Cát Bà, rà soát số lượng các hộ gia đình sinh sống trên các bè nổi, vịnh Lan Hạ, Bến Bèo, cảng cá, kết hợp với truyền thông tư vấn làm mẹ an toàn cho bà mẹ mang thai và cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ. Toàn huyện có 29.781 người, trong đó 4.044 người được áp dụng biện pháp tránh thai; tại các thị trấn Cát Bà, Cát Hải và xã Phù Long… đông người tham gia nhất.

Điểm nổi bật của kết quả tuyên truyền là tình hình dân số được duy trì ở mức ổn định, nhiều người đã bỏ được tâm lý sinh con thứ ba. Do sinh ít con nên nhiều gia đình có điều kiện chăm sóc con chu đáo hơn, từ việc đi học đến dinh dưỡng…

 

Tuyên truyền tổng hợp

Trung tâm DS – KHHGĐ đã tổ chức kiểm tra giám sát tại 100% xã, thị trấn. Trung tâm Y tế huyện và Trạm y tế các xã, thị trấn bố trí cán bộ tham gia đội lưu động, chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc… đáp ứng kịp thời, đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố. Cùng đó là hoạt động truyền thông với nội dung liên quan tác dụng của sàng lọc sơ sinh, giới thiệu chuyên đề giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh kết hợp với hoạt động truyền thông tư vấn kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các bà mẹ mang thai, đang nuôi con nhỏ, tư vấn về bệnh phụ khoa, cách phòng ngừa, loại trừ viêm nhiễm phụ khoa, tránh xa các khối u và nguy cơ vô sinh. Để sức lan tỏa rộng khắp, Trung tâm đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Huyện đoàn và Hội Nông dân, chỉ đạo cấp hội cơ sở lồng ghép tuyên truyền kỷ niệm các ngày 8/3, 26/3, Dân số Thế giới (11/7); phối hợp Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm chăm sóc SKSS/KHHGĐ Thành phố tư vấn, khám, điều trị phụ khoa cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ trên địa bàn toàn huyện, kết hợp với Đài Phát thanh huyện phát tin bài phản ánh hoạt động truyền thông và chiến dịch, gương cộng tác viên tiêu biểu, tổ chức sinh hoạt ngoại khoá, giao lưu tìm hiểu về SKSS vị thành niên, sức khoẻ tiền hôn nhân tại các trường THCS, THPT…

Công tác DS – KHHGĐ được huyện Cát Hải chú trọng – Ảnh: CTV

Một cán bộ truyền thông tại xã Phù Long cho biết, thực hiện phương châm truyền thông đổi mới theo hướng lồng ghép tuyên truyền, giáo dục kết hợp vào hoạt động của các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại thôn, xóm, đội ngũ cán bộ tuyên truyền đã vận dụng nhiều biện pháp cho từng hộ ngư dân, từng xóm để việc tuyên truyền đạt kết quả tốt nhất. Qua từng năm, nhận thức của ngư dân thay đổi nhiều, các hộ gia đình cũng tự học hỏi nhau nên việc tuyên truyền ngày càng đi vào ổn định.

Về hoạt động năm 2014, bà Năm cho biết, huyện vẫn duy trì tăng cường hoạt động của đội lưu động tới các xã, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên cơ sở phối hợp với Trung tâm Y tế huyện cung cấp, đáp ứng dịch vụ tới mọi đối tượng đảm bảo an toàn, thuận lợi. Chú trọng tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại các xã, thị trấn có hiện tượng sinh con thứ ba trở lên ở mức cao. Trung tâm cũng đề xuất tổ chức nhiều đợt tham quan học tập các mô hình hoạt động có hiệu quả cho cán bộ dân số từ huyện đến xã, thị trấn, để rút kinh nghiệm, tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ đội lưu động về huyện 2 đợt/năm khám và điều trị phụ khoa cho phụ nữ trên địa bàn huyện.

>> Năm 2013, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Cát Hải đã tổ chức 2 đợt cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ, với 53 lượt lưu động tại các Trạm y tế xã, thị trấn và Trung tâm Y tế huyện; tổ chức khám, tư vấn và quản lý thai sản cho hơn 600 lượt phụ nữ mang thai; cung cấp dịch vụ KHHGĐ và các biện pháp tránh thai lâm sàng cho 470 phụ nữ trong tuổi sinh đẻ; khám và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục cho hơn 900 ca…

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!