Đề án 52 tại Đồng Hới – Quảng Bình: Thành công nhờ nhân dân nhiệt tình tham gia

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau 4 năm hoạt động, Đề án 52 tại thành phố Đồng Hới đã phát huy tác dụng trong hạn chế gia tăng dân số. Địa phương mong muốn trong năm 2013 tiếp tục giảm áp lực gia tăng dân số, thực hiện 100% chỉ tiêu kế hoạch như năm 2012.

Tuyên truyền cao điểm

Đề án 52 được thực hiện tại Đồng Hới từ năm 2009. Với 6 xã, phường trọng điểm thực hiện, ban lãnh đạo Trung tâm DS – KHHGĐ Thành phố xác định mục tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, nâng cao chất lượng dân số địa phương… Với dân số 28.823 người, trong đó số phụ nữ tuổi 15 – 49 tại 6 xã vùng biển 4.419 người, các xã, phường đều có biển với hoạt động kinh tế dựa vào khai thác xa bờ nên cán bộ Trung tâm phải kết hợp chặt với đội ngũ cộng tác viên xã, phường và cán bộ dân số tổ chức truyền thông tại cơ sở. Tại các xã, phường Phú Hải, Hải Thanh, người dân hàng tháng được cán bộ Thành phố tổ chức lồng ghép giữa tuyên truyền và khám SKSS theo kế hoạch Đề án 52. Chương trình còn có sự giúp đỡ của đội ngũ y tế xã, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cùng tham gia, nên người dân tham gia rất nhiệt tình và lắng nghe cẩn thận.

Sau mỗi đợt ra khơi về, ngư dân TP. Đồng Hới được tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ – Ảnh: Trần Đỗ Nghĩa

Theo bà Đặng Thị Minh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ TP Đồng Hới, Đề án đang được thực hiện đúng hướng, với mục tiêu đưa số dân các xã ven biển có điều kiện tiếp xúc dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, giảm tỷ lệ kết hôn dưới 18 tuổi…

 

Hoàn thành kế hoạch

Kết quả thực hiện của Đồng Hới luôn giữ được mức độ đều đặn hằng năm. Năm 2012, Thành phố thực hiện 18 buổi sinh hoạt nhóm, CLB cho nhóm phụ nữ 15 – 49 tuổi, 7 lần truyền thông tại cộng đồng có lồng ghép cung cấp dịch vụ, 2 lần phát tin trên Đài TT – TH, 6 lượt truyền thông lưu động tại xã. Hoạt động dịch vụ KHHGĐ với 1.000 người được khám phụ khoa, 800 người được xét nghiệm soi tươi, 322 người được đặt vòng tránh thai (không có điều trị và khám thai). Tại các xã, phường Phú Hải, Hải Thanh, Bảo Ninh, nhận thức của người dân đã thay đổi, chị em trong tuổi sinh đẻ thường xuyên và định kỳ đến trạm y tế khám thai. Năm 2012, Thành phố hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.

Cũng theo bà Đặng Thị Minh Nga, các hoạt động Đề án được triển khai thuận lợi, hiệu quả cao nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt có sự hướng dẫn cụ thể của Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh, chỉ đạo của UBND, Ban chỉ đạo chiến dịch thành phố. Ngoài ra, sự quản lý sát sao của chính quyền 6 xã, phường có chiến dịch, nhân dân cùng nhận rõ lợi ích Đề án nên nhiệt tình tham gia. Nhìn chung, hoạt động Đề án cơ bản đã vào nền nếp, hiệu quả khá cao.

 

Nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể

Năm 2013, Trung tâm DS – KHHGĐ nhấn mạnh nhóm đối tượng trong tuổi sinh con, nỗ lực tham gia tuyên truyền, khám dịch vụ và áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp; thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung Đề án tại các địa phương theo đúng tiến độ; tăng cường truyền thông, đa dạng hóa kênh thông tin, đổi mới hình thức, nội dung phù hợp tình hình địa phương, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nội dung, lợi ích Đề án. Trung tâm cũng tiến hành củng cố, bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cộng tác viên, chuyên trách xã, phường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện Đề án, Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn: Kinh phí giải ngân quá muộn; việc triển khai tại các xã phường còn chậm; thiếu vốn thực hiện. Trong khi đó, nội dung tuyên truyền trong chiến dịch chưa phong phú, kinh phí tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng còn thấp, chưa phát huy hết hiệu quả. Kinh phí hoạt động còn thiếu nên người dân chưa được cấp thuốc miễn phí khi khám chữa bệnh. Đội ngũ cán bộ mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn cho Đề án sớm và nhiều hơn, để những người làm công tác tuyên truyền bổ sung những hình thức lồng ghép mới và tăng cường trang thiết bị hiện đại phục vụ từng chiến dịch hiệu quả hơn.         

>> Mục tiêu năm 2013: Tới tháng 5 sẽ có chiến dịch tuyên truyền cụ thể và là chiến dịch lớn, thực hiện luân phiên trong các xã, phường. Trung tâm DS -KHHGĐ Đồng Hới đề nghị các địa phương tham gia Đề án hỗ trợ kịp thời kinh phí, nhân lực, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động ở cơ sở đạt hiệu quả cao

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!