Đề án 52 tại Quy Nhơn – Bình Định: Duy trì dân số ổn định

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, Trung tâm DS – KHHGĐ thành phố Quy Nhơn đã triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền và thực hiện các chỉ tiêu chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho ngư dân trên địa bàn. Nhiều chỉ tiêu đều được thực hiện vượt kế hoạch.

Truyền thông thay đổi hành vi

Đề án 52 được triển khai tại Quy Nhơn từ năm 2009, trong năm 2013, Trung tâm DS – KHHGĐ tập trung triển khai các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số như: “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”.

Để việc vận động đến được từng địa bàn trong thành phố, trung tâm đã hướng dẫn Ban DS – KHHGĐ tại 21 phường, xã tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Đồng thời, duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, sinh hoạt nhóm, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với các nội dung về chăm sóc SKSS cho đối tượng vị thành niên, thanh niên, mất cân bằng giới tính khi sinh. Trung tâm đã tổ chức 1 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách; 9 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên y tế và cộng tác viên tại phường, xã và 5 lớp tập huấn cho cộng tác viên mới nhận nhiệm vụ năm 2013, mở 12 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh và mất cân bằng giới tính khi sinh cho 458 cộng tác viên dân số của 21 phường, xã.

Năm 2013 đã có có 47/151 thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có 8 khu vực liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên 3 – 4 năm và có 10 khu vực từ 5 năm trở lên như: phường Hải Cảng, phường Ngô Mây.

Theo bà Lê Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Hoài Nhơn, các hoạt động thăm khám, điều trị bệnh phụ khoa, tư vấn, thực hiện các kỹ thuật tránh thai, các xét nghiệm soi tươi; “tiếp thị” tư vấn SKSS tại nhà, trên bến, dưới thuyền… trong khuôn khổ Đề án 52 đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ. Hằng năm, có khoảng 800 phụ nữ mang thai ở vùng biển, đầm phá, nguy cơ ô nhiễm cao được khám, theo dõi, quản lý thai sản; 3.000 – 4.000 phụ nữ được chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong các đợt chiến dịch.

 

Mưu sinh tại cảng cá Quy Nhơn – Ảnh: Đức Lợi

Điểm sáng dân số

Ghềnh Ráng là một trong những phường thực hiện tốt và đạt kết quả cao Đề án 52 năm 2013. Phường có tổng số 2559 hộ, với 9762 người, trong đó, tổng số nữ là 4917 người, với 2840 người số chị em phụ nữ 15 – 49 tuổi (trong đó, 1785 nữ có chồng). Trong năm, Ban DS – KHHGĐ đã cử cán bộ chuyên trách, nhân viên y tế khu vực và cộng tác viên dân số tham gia tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do thành phố tổ chức theo đúng thành phần và số lượng, tổ chức 2 đợt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đạt kết quả theo kế hoạch đề ra. Phường đã cấp phát 5.000 bao cao su, cấp phát 825 vỉ thuốc tránh thai. Tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 8,4% giảm 4,64% so với năm 2012, toàn phường có 2 khu vực không sinh con thứ 3. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng bao cao su đạt 176%, thuốc tránh thai đạt 134%.

 

Giảm tỷ suất sinh còn 0,2‰ năm 2014

Năm nay, Trung tâm DS – KHHGĐ thành phố Quy Nhơn phấn đấu giảm tỷ suất sinh đạt 0,2‰ và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,2% so với năm 2013. Để đạt kết quả trên, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại như: triệt sản, đặt vòng, thuốc cấy, thuốc tiêm tránh thai… đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi về DS – KHHGĐ.

Song song với đó là việc đổi mới công tác tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế, tập trung vào các vấn đề “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện tránh thai và các dịch vụ SKSS/KHHGĐ thông qua kênh tiếp thị xã hội.

Ông Nguyễn Anh Văn, Giám đốc Trung tâm cho biết, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể thành phố lồng ghép các hoạt động truyền thông về công tác DS – KHHGĐ vào hoạt động của từng ngành một cách hiệu quả. Phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, hội đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện các chính sách DS – KHHGĐ. Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay là vấn đề kinh phí hoạt động, ngoài kinh phí của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ cho một số xã còn khó khăn, Trung tâm cần huy động thêm nguồn lực, kinh phí hỗ trợ từ thành phố và phường, xã để khích lệ kịp thời cho đội ngũ tham gia tuyên truyền vận động trực tiếp ở đại bàn khu dân cư.

>> Năm 2013, thành phố Quy Nhơn thực hiện các biện pháp tránh thai đạt 103,2%; trong đó, vòng tránh thai đạt 101,3%; triệt sản đạt 80%; thuốc tiêm và thuốc cấy tránh thai đạt còn thấp; thuốc uống tránh thai, bao cao su vẫn duy trì sử dụng thường xuyên và đạt ở mức cao.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!