Đề án 52 tại Thái Thụy: Giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

Chưa có đánh giá về bài viết

Mục tiêu quan trọng của Đề án 52 tại Thái Thụy (Thái Bình) là việc thực hiện nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Địa phương đang nỗ lực thực hiện để duy trì kết quả Đề án đề ra.

Mục tiêu lớn

Ông Vũ Đức Điến, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Thái Bình, cho biết: Từ năm 2011, Chi cục đã xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động, tập trung chủ yếu ở những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Mục tiêu, từng bước làm thay đổi tâm lý muốn có con trai, phê phán tình trạng trọng nam khinh nữ; nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thuyết phục các cặp vợ chồng không chọn giới tính thai nhi… Đầu năm 2015, Chi cục tập trung thực hiện Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Qua đó đã cung cấp thông tin công tác dân số cũng như thực trạng và hệ lụy do mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng cho lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, xã và người dân. Đồng thời, thảo luận về vai trò và phương thức lồng ghép tuyên truyền về giới tính khi sinh với các hoạt động thường xuyên của các ban, ngành, đoàn thể cơ sở, các địa phương.

 

Tuyên truyền hiệu quả

Đề án 52 tại Thái Thụy phát huy hiệu quả nhờ đẩy mạnh truyền thông. Việc duy trì hoạt động hàng trăm câu lạc bộ, đội văn nghệ, đội tuyên truyền tại các xã thực hiện Đề án đã trang bị cho đối tượng vị thành niên, thanh niên những kiến thức cơ bản về SKSS, tránh mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn… Trung tâm Dân số huyện cũng tuyên truyền cho phụ nữ, nhất là người làm việc tại khu vực ngập mặn, đầm phá, cửa sông, cửa biển, những kiến thức về làm mẹ an toàn; phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm đường sinh sản, các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự phát triển bào thai và trẻ sơ sinh do tác động môi trường biển…

Người dân Thái Thụy được tiếp cận với các hoạt động chăm sóc SKSS/KHHGĐ – Ảnh: Quang Quyết

Hình thức tuyên truyền cũng được sử dụng đa dạng, phong phú, phù hợp  đối tượng. Thông qua hội thảo, tư vấn trên hệ thống phát thanh, truyền thanh  huyện, xã; Phát tờ rơi, in pano, áp phích, kẻ vẽ biển tường với các nội dung về việc kiểm soát dân số các vùng biển, đảo, ven biển, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh… Ngoài ra, Trung tâm chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể (Liên đoàn Lao động, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…) cùng vào cuộc, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS/SKSS/KHHGĐ cho mọi đối tượng.

Qua thời gian triển khai, đến nay, công tác dân số huyện đã đạt những kết quả đáng mừng. Tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức cân bằng 105,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Điển hình như xã Thụy Dương không xảy ra tình trạng “Trọng nam khinh nữ”, thôn Nam Hưng (xã Thái Thủy), thôn Liên Khê (xã Thái Thành) không có người sinh con thứ 3 trở lên. Việc thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đạt 107% kế hoạch năm, 77% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ đã sử dụng biện pháp tránh thai. Trung tâm đã được Tổng cục DS – KHHGĐ tặng giấy khen.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong tuyên truyền, vận động; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động mô hình tại các xã, thị trấn. Tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho mọi đối tượng, các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ và những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai… Đồng thời, kiến nghị các cấp, các ngành tích cực quan tâm, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan giới tính khi sinh; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái và gia đình có con một bề là gái…

>> Đến nay, tại Thái Thụy, 100% xã, phường, thị trấn và thôn xóm có mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên cơ sở. Công tác truyền thông, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở các cấp đã làm thay đổi nhận thức của người dân.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!