Đề án 52 tại Vân Đồn – Quảng Ninh: Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ ngày 6 – 12/5, Ban Quản lý các Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia DS – KHHGĐ (Đề án 52) đã phối hợp với Bệnh viện 7 (Quân khu 3), tổ chức triển khai hoạt động “Thí điểm tư vấn và khám sức khỏe cho phụ nữ 15 – 49 tuổi, bà mẹ mang thai, trẻ em tại 3 xã là Ngọc Vừng, Quan Lạn và Minh Châu của huyện đảo Vân Đồn.

Còn nhiều khó khăn

Điểm đến đầu tiên của đợt khám chữa bệnh là xã đảo Ngọc Vừng. Nơi đây có đầy đủ các yếu tố địa hình tự nhiên như sông, bãi biển, bến cảng; đặc biệt trên đảo có nhiều nước ngọt và người dân có thể trồng lúa, rau màu. Ngành du lịch nơi đây đang chuyển mình phát triển. Cuộc sống người dân đang đổi thay từng ngày.

Tuy nhiên, nơi đây cũng còn nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Bà Nguyễn Thị Hồng Thư, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng cho biết, toàn xã có 250 hộ với 1.000 nhân khẩu, người dân sống chủ yếu làm nông, ngư nghiệp. Do đặc thù của công việc nên công tác chăm sóc sức khỏe người dân nơi đây còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chị em trong độ tuổi 15 – 49 ở xã có tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm khá cao.

Về cơ sở vật chất chăm sóc sức khỏe cho người dân, hiện xã có một trạm y tế quân dân y kết hợp. Tuy nhiên, nơi đây chỉ khám và sơ cứu ban đầu, còn những việc khác như phẫu thuật, nội soi hay xét nghiệm… thì người dân phải vào đất liền, bà Thư cho biết thêm.

Khám bệnh cho người dân xã đảo Minh Châu

Thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chính là khó khăn chung của các xã đảo. Bác sĩ Nguyễn Văn San, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Châu cho biết, chị em độ tuổi 15 – 49 trên địa bàn xã tiếp xúc với việc chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, bởi chị em xa đất liền, phương tiện đi lại còn khó khăn. Thứ hai là công tác cán bộ chăm sóc của Trạm còn thiếu, chưa có nữ hộ sinh (có nhưng đã nghỉ hưu). Hiện, Trạm chỉ có 2 người (1 bác sĩ và 1 cử nhân điều dưỡng); trong khi đó, phải 5 – 7 người mới đáp ứng được công việc.

 

Cải thiện sức khỏe và nâng cao nhận thức

Tại xã đảo Minh Châu, theo thống kê, chị em trong độ tuổi 15 – 49 có tần suất mắc viêm nhiễm chiếm khoảng 35 – 37%. Trẻ em 0 – 15 tuổi hay mắc bệnh đường hô hấp bởi nhiệt độ và độ ẩm cao. Ông Nguyễn Tiến Lượng, Bí thư Đảng bộ xã Minh Châu chia sẻ, toàn xã có 255 hộ dân với 1.052 nhân khẩu. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào khai thác, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Do đặc thù công việc nên việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được thăm khám và điều trị theo chương trình, Thượng tá Lương Quang Sinh, Trưởng đoàn Bệnh viện 7 Quân khu 3 cho biết, việc di chuyển đến các đảo gặp nhiều khó khăn nhưng đoàn đã mang theo nhiều máy móc thiết bị hiện đại cùng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao để đáp ứng tốt nhất việc thăm khám và điều trị cho người dân.

Theo thống kê của đoàn, tại 3 xã triển khai khám chữa bệnh, phụ nữ hay mắc các bệnh như viêm nhiễm đường sinh dục, u tử cung, u buồng trứng. Tại xã Minh Châu, số phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm 63 người, u buồng trứng 2 người trong tổng số 165 phụ nữ đi khám. Một số đối tượng khác như trẻ em thường mắc các bệnh viêm phế quản, viêm họng. Các trường hợp sau khi được thăm khám đều được cấp phát thuốc điều trị và tư vấn phương pháp phòng tránh. Theo ghi nhận, hầu hết người dân sau khi được thăm khám và điều trị đều rất phấn khởi và mong muốn được hưởng dịch vụ chăm sóc nhiều hơn nữa. Bởi, việc khám chữa bệnh không chỉ đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân mà còn giúp thay đổi nhận thức giữ gìn và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Vân Đồn cho biết: Sau những đợt triển khai kết hợp khám chữa bệnh tại Vân Đồn đã giúp người dân các xã đảo nâng cao nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe; giúp người dân tìm ra và điều trị một số bệnh đơn giản mà trước đây  không có điều kiện khám và điều trị hoặc muốn điều trị phải đi vào đất liền rất xa và khó khăn, tốn kém. Đặc biệt đã khám, tư vấn và điều trị các bệnh cơ bản mà chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hay mắc phải.

Trong đợt này, tại 3 xã đoàn đã khám, cấp phát thuốc và điều trị cho 1.487 trường hợp với số tiền gần 297 triệu đồng (đây là tiền thuốc, hóa chất và vật tư tiêu hao). Mặc dù cuộc sống, sinh hoạt nơi đảo xa còn khó khăn, thiếu thốn nhưng tập thể cán bộ và bác sĩ của đoàn đã nhiệt tình thăm khám và điều trị cho từng bệnh nhân. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng đảo xa.

>> Hiện, chúng tôi đang có đề xuất, sau ba năm sẽ quay lại tái khám tại các xã đảo mà đoàn đã triển khai khám bệnh nhằm đánh giá lại những hiệu quả, thay đổi trong việc chăm sóc về sức khỏe cho người dân, Thượng tá Lương Quang Sinh, Trưởng đoàn Khám chữa bệnh cho biết.

Quốc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!