Đề án 52 về quê biển Hoài Nhơn

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba của 6 xã vùng biển huyện Hoài Nhơn (Bình Định) giảm còn 12,19‰ và 19,16%. Chưa tiệm cận mức bình quân chung toàn huyện nhưng đây là chuyển biến đáng kể trong công tác DS – KHHGĐ.

Lợi thế từ biển

Huyện Hoài Nhơn có bờ biển dài 23km và 2 cửa sông lớn; ngành thủy sản với hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ phát triển khá mạnh, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 6.800 hộ với trên 21.000 lao động, chiếm 19,5% lao động toàn huyện. Trong đó, 18.700 lao động đánh bắt, 2.300 lao động nuôi trồng thủy sản (NTTS), trên 2.500 lao động thời vụ. Lao động ngành thủy sản Hoài Nhơn tăng hàng năm 12,8%. Năm 2012, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 42.000 tấn, tăng 6.770 tấn so năm 2010, đạt 123,5% kế hoạch; trong đó cá ngừ đại dương đạt 9.300 tấn, tăng 6.300 tấn so năm 2010. Toàn huyện có 2.395 tàu cá, tổng công suất hơn 455.931 CV, tăng 177.467 CV so năm 2010; trong đó tàu công suất 90 CV trở lên chiếm 64,5%.

Thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân Hoài Nhơn

Khu chế biến thủy sản Tam Quan Bắc diện tích 5,08 ha, với 5 doanh nghiệp và 12 cơ sở mua gom, chế biến hải sản, cơ khí tàu thuyền, sản xuất và cung ứng nước đá, sản xuất nước mắm. Hải sản qua chế biến hàng năm đạt trên 30% sản lượng thủy sản, đạt 100% kế hoạch, nhưng chủ yếu sơ chế. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm đều tăng, năm 2012 đạt 5 triệu USD…

 

“Không nhất thiết phải có con trai”

Hoài Nhơn là một trong 5 huyện, thành phố của tỉnh Bình Định được triển khai Đề án 52, từ tháng 12/2009; tập trung tại 6 xã Hoài Hải, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam. Với ngành nghề chính nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, thường xuyên gắn liền với những chuyến biến xa, những công việc thời gian dài…, đa phần người dân ít quan tâm công tác DS – KHHGĐ, nhất là sức khỏe phụ nữ. Sống chủ yếu bằng nghề đi biển nặng nhọc, nhiều rủi ro, dân vùng biển quan niệm phải có nhiều con trai.

Cộng tác viên dân số thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc cho biết: Tại khu vực cảng cá Tam Quan Bắc, nơi tập trung nhiều lao động, nhất là nữ, làm việc hậu cần, dịch vụ…; cộng tác viên dân số tranh thủ  thời gian nghỉ ngơi sau chuyến ra khơi đã thực hiện “tiếp thị” biện pháp tránh thai, kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ… Qua nhiều lần tiếp xúc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân tham gia công tác DS – KHHGĐ, quan niệm về sinh con một bề và phải có con trai đã dần được xóa bỏ. Gia đình anh Nguyễn Ca và chị Nguyễn Thị Lan (cùng thôn Tân Thành 2) đều có 2 con gái đang học lớp 2 và mẫu giáo cũng khẳng định sẽ không sinh thêm. “Ông bà mình ngày xưa đông con, khổ lắm. Giờ, tui nghĩ, không nhất thiết phải có con trai. Quan trọng là mình lo cho con đầy đủ, học hành tới nơi tới chốn” – Anh Ca nói.

Tam Quan Bắc có 10 thôn, hơn 19.000 nhân khẩu. Ở vùng biển, nhận thức của người dân về công tác DS – KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Nhờ Đề án 52, hoạt động truyền thông, vận động được đưa về tận thôn xóm, đến từng hộ gia đình, góp phần đáng kể thay đổi nhận thức và hành vi của người dân. Đây cũng là động lực quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng biển.

 

Tuyên truyền trên bến, dưới thuyền

Các hoạt động thăm, khám, điều trị bệnh phụ khoa, tư vấn, thực hiện kỹ thuật tránh thai, các xét nghiệm soi tươi; “tiếp thị” tư vấn SKSS tại nhà, trên bến, dưới thuyền… trong khuôn khổ Đề án 52 đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ. Hàng năm, có khoảng 800 phụ nữ mang thai ở vùng biển, đầm phá, nguy cơ ô nhiễm cao được khám, theo dõi, quản lý thai sản; 3.000 – 4.000 phụ nữ được chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong các đợt chiến dịch. Theo bà Lê Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Hoài Nhơn, có được kết quả đó là nhờ công tác truyền thông được triển khai đa dạng, linh hoạt, phù hợp đặc điểm địa phương. Một mặt, cộng tác viên dân số tiếp cận tuyên truyền kiến thức cho người vợ và gia đình ở địa phương. Mặt khác, Trung tâm DS – KHHGĐ phối hợp Trung tâm VH-TT&TT huyện tổ chức tuyên truyền lưu động, cung cấp tài liệu và cấp miễn phí bao cao su tại các cảng cá, bến thuyền, trên tàu. Việc “tiếp thị” cả bến lẫn thuyền như thế góp phần bảo vệ sức khỏe, giữ gìn hạnh phúc cho nhiều gia đình theo nghề biển.

Đề án 52 đã triển khai nhiều chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ có hiệu quả tới người dân

Ngoài hình thức tuyên truyền với các nhóm nhỏ, sinh hoạt lồng ghép qua các câu lạc bộ, tổ phụ nữ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, cộng tác viên dân số còn đến từng nhà vận động, phân tích cho từng đối tượng, theo lối “mưa dầm thấm lâu”. Thời gian gần đây, Hoài Nhơn còn tổ chức các chương trình văn nghệ tuyên truyền DS – KHHGĐ tại các xã vùng biển với nhiều hình thức phong phú (như bài hát về dân số, tiểu phẩm dài 30 phút bằng làn điệu bài chòi…), thu hút rất đông người tham gia, vừa vui văn nghệ vừa hiểu được những thông điệp liên quan DS – KHHGĐ.

>> Ông Hoàng Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn: Sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp thực hiện của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, nhất là sự nỗ lực, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, đã góp phần quan trọng vào thành công Đề án 52, giúp Hoài Nhơn từng bước kiểm soát được quy mô dân số, người dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàn thiện hơn, chất lượng sống cao hơn.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!