T6, 23/12/2022 10:47

Dư địa phát triển nuôi trồng thủy sản còn rất lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tại Hội Nghị triển khai Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức mới đây.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Việt Nam có diện tích mặt nước nước sông, suối, bãi triều, đầm phá, cửa sông rộng lớn… tạo nên tiềm năng to lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, lợi thế. Về hoạt động sản xuất NTTS, nước ta không ngừng phát triển, tạo vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Phát triển NTTS đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định phát triển kinh tế xã hội nhiều vùng nông thôn, vùng núi, ven biển… Giai đoạn này, dư địa còn lớn, chúng ta phải tính giải pháp xuyên suốt hai giai đoạn, 2021 – 2025 và 2026 – 2030. Vấn đề trong NTTS hiện nay là hạ tầng và môi trường, môi trường kém thì hiệu quả nuôi thấp, không có sức cạnh tranh… Hội nghị lần này là nhằm lấy ý kiến đóng góp của đại biểu để hoàn thiện kế hoạch hành động, bàn giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình này.

Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt trong tháng 8/2022 đặt mục tiêu phát triển NTTS hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm NTTS; đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Chương trình Quốc gia phát triển NTTS giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt trong tháng 8/2022 đặt mục tiêu phát triển ngành hiệu quả, bền vững

Cụ thể, đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 5,6 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi đạt trung bình 4%/năm; đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 7 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi đạt trên 4,5%/năm. Cùng đó, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm NTTS.

Đặc biệt chú trọng đối với hai đối tượng nuôi chủ lực là tôm nước lợ và cá tra. Trong đó, chủ động sản xuất, cung ứng được trên 60% nhu cầu tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống; cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ cũng đã xác định 9 nhóm dự án với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng về phát triển nuôi trồng thủy sản và 19 dự án/nhóm dự án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản ưu tiên với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng. “Về nhóm tăng trưởng của giai đoạn tới, chúng ta sẽ chú trọng vào nhuyễn thể, cá biển và rong tảo biển. Với nhóm cá tra, chúng ta không tăng trưởng nhiều về sản lượng nhưng sẽ tăng trưởng về giá trị”, ông Cẩn cho biết thêm.

Theo Thứ trưởng Tiến, các đối tượng NTTS hiện cũng rất đa dạng, từ cá tra, nuôi biển và các loài nhuyễn thể hai mảnh… Chúng ta đã có các nhà máy hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và vùng nguyên liệu. Vấn đề là làm sao để khai thác toàn bộ tiềm năng của các vùng nuôi, của các đối tượng nuôi để đạt được mục tiêu.

Chia sẻ về đối tượng nuôi, đại diện một doanh nghiệp cho rằng, hiện nay trong chương trình phát triển nuôi thủy sản chỉ đề cập đến tôm, cá tra, cá rô phi mà không đối tượng khác, chẳng hạn như con cá mè, trong khi đây là đối tượng nuôi rất triển vọng, nhất là tại các hồ chứa, giá thành rẻ.

Cũng băn khoăn về tình hình nuôi hiện nay, ông Nguyễn Tử Cương, Ủy ban Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, chia sẻ 3 vấn đề. Một là về con giống, hiện nay chúng ta tập trung vào hai đối tượng nuôi chính là tôm nước lợ và cá tra. Trong đó, giống cá tra hiện nay đang bị thoái hóa dần, dẫn đến cá ăn nhiều nhưng không lớn, mắc nhiều bệnh, tỷ lệ chết cao.

Về tôm nước lợ, thì tôm sú gần như dựa vào tự nhiên, với tôm thẻ chân trắng thì hiện chúng ta mới chỉ sản xuất khoảng 5%, còn lại là nhập khẩu. Thứ nữa là về cách đánh giá VietGAP, chúng ta không thể đánh giá và chứng nhận theo tiêu chuẩn, mà bắt buộc phải là quy chuẩn, làm thực chất chứ không phải hình thức.

Vấn đề nữa là hiện có tình trạng người dân mua phải thức ăn thủy sản không đảm bảo chất lượng, chế phẩm sinh học, thuốc thú y không hiệu quả, do đó, cần phải siết chặt quản lý.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tiến yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện thực tế, kế hoạch thực hiện của địa phương và nội dung Chương trình này, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả. Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí hàng năm từ ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình và các dự án đầu tư vùng NTTS tập trung tại địa phương. 

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!