Già hóa dân số – Thách thức cần vượt qua

Chưa có đánh giá về bài viết

Dân số Việt Nam đã vào ngưỡng già hóa, là một thách thức không nhỏ để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi; nhưng đây cũng là một tiến trình tất yếu, một thành quả cần được tận dụng để phát huy nhằm nâng cao và cải thiện chất lượng dân số.

Trên đà già hóa

Ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trên 60 trở lên đã vượt 10% tổng số dân. Tại đồng bằng sông Hồng, các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định… tỷ lệ NCT đều tăng (Hà Nội gần 10%, Hải Phòng 10,3%, Thái Bình 14%…).  Tại Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, số lượng NCT cũng tập trung nhiều ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị… Ngay tại thời điểm tổng điều tra dân số 2009, ở Bình Định tỷ lệ NCT là 10,82%.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi rất nhanh về nhân khẩu học. Năm 2005, chúng ta vừa kết thúc giai đoạn “cơ cấu dân số trẻ” thì chỉ sau 6 năm sau, Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số”, trong khi nước khác phải qua nhiều thập kỷ. Ngay tại các tỉnh đã vào giai đoạn già hóa dân số cũng gặp những khó khăn kép của đặc thù dân số vừa “già” vừa “trẻ”.

Tốc độ già hóa dân số từ năm 1979 đến 2049

Số người cao tuổi tăng lên do thành quả công tác DS – KHHGĐ, số trẻ em giảm đi cùng với những cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế – xã hội. Số NCT tăng là thành tựu của sự phát triển nhưng cũng đang đặt ra khó khăn, thách thức. Với xã hội già hóa, thành phần cơ cấu kinh tế, dịch vụ chăm sóc… sẽ phải thay đổi cho thích ứng. Tuy nhiên, Việt Nam là nước vừa thoát “nghèo”, lại chưa kịp chuẩn bị cho một xã hội già hóa là một thách thức rất lớn với chúng ta trong giai đoạn tới.

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của cả nước đã tăng lên, bình quân 72,8 tuổi, có những tỉnh, thành phố tuổi thọ trung bình cao như Hà Nội (74 tuổi), Thái Bình (75 tuổi). Số cụ già trên 100 tuổi của cả nước tăng gấp đôi so với đợt tổng điều tra dân số năm 1999.

 

Còn gian nan

Đời sống NCT còn nhiều khó khăn và có sự chênh lệch giữa thành thị với nông thôn. Còn 18,3% các hộ có NCT đang sống trong nhà tạm và nhà dột nát. Đặc biệt, 34,6% hộ NCT độc thân đang sống trong nhà tạm, những người sống cùng chồng/vợ hoặc sống cùng con cháu thì tỷ lệ hộ có nhà tạm đều thấp hơn tỷ lệ chung. Các điều kiện sống khác cũng còn rất khó khăn: 5,7% số hộ NCT chưa được sử dụng điện lưới để thắp sáng, trong đó 2,26% ở thành thị và 7,39% ở nông thôn; 63% NCT sử dụng nước hợp vệ sinh (giếng khơi có bờ bao, nước máy và nước giếng khoan để sinh hoạt); 37% NCT vẫn đang phải sử dụng nguốn nước chưa đảm bảo vệ sinh để sinh hoạt (giếng khơi không bờ bao, nước ao hồ sông suối). Ở thành thị, khoảng 5% số hộ vẫn còn phải sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo vệ sinh, trong khi tỷ lệ này 20% tại nông thôn;  74% NCT sử dụng hố xí hợp vệ sinh (37.3% dùng nhà vệ sinh 2 ngăn, 36,7% số hộ có nhà vệ sinh tự hoại/bán tự hoại), còn lại 26% NCT không có nhà vệ sinh hoặc có cũng hết sức đơn giản, như “cầu cá” hoặc hố đào. Như vậy, điều kiện sống của NCT còn rất khó khăn và thách thức đang đặt ra rất lớn.

Già hóa dân số ảnh hưởng lớn đến ngành khai thác thủy sản – Ảnh: Trần Vĩnh Nghĩa

Với tốc độ già hóa hiện nay của dân số, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình và nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đang đối mặt những khó khăn để thích ứng xã hội già hóa. Bên cạnh đó, các chính sách, chế độ trợ cấp cho NCT còn nhiều khó khăn…

 

Tận dụng thời cơ

TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ chia sẻ về những vấn đề cần ưu tiên để Việt Nam vượt qua thách thức, thích ứng một xã hội già hóa dân số, già hóa không phải là gánh nặng mà là một tiến trình tất yếu, là một thành tựu. Điều quan trọng là những thành tựu đó phải được phát huy. Phát huy là vấn đề số 1 rồi mới đến vấn đề số 2 – chăm sóc. Tuy nhiên, vấn đề già hóa dân số sẽ gặp nhiều trở ngại cho công tác DS – KHHGĐ và nhiều khía cạnh cuộc sống. Trong lĩnh vực kinh tế, già hóa dân số sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, thị trường lao động, lương hưu, thuế và chuyển giao giữa các thế hệ. Trong lĩnh vực xã hội, già hóa dân số sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, cơ cấu gia đình và sắp xếp cuộc sống, nhà ở và di cư. Trong lĩnh vực chính trị, già hóa dân số có thể ảnh hưởng tới xu hướng bầu cử và tính đại diện.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về tư duy, nguồn lực cũng như chính sách, cơ chế; và như vậy sẽ không tránh khỏi sự lúng túng trong giai đoạn này, nếu không có những giải pháp thích ứng kịp thời. Đặc biệt, cơ cấu dân số già đến sớm khi kinh tế đất nước mới đang trong thời kỳ thoát nghèo, đặt ra bài toán khó khăn trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho NCT.

Do vậy, cần tranh thủ, phát huy tiềm năng NCT. Lâu nay, khi nói về NCT, chúng ta thường chú trọng việc chăm sóc sức khỏe; nhưng trong giai đoạn tới, theo tôi yếu tố số 1 là phát huy NCT để họ tiếp tục có những đóng góp với đất nước trong điều kiện phù hợp khả năng, sức khỏe của mình. Đây là nguồn nhân lực quý giá khi chúng ta bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước – lao động trí tuệ thay lao động cơ bắp. Họ sẽ có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp này. Với NCT có kiến thức, trình độ, chúng ta cần phải tranh thủ phát huy tiềm năng của họ.

Chăm sóc NCT là một chính sách quan trọng mà Đảng và Chính phủ luôn coi trọng trong mọi giai đoạn phát triển đất nước, trong chính sách và các chương trình kinh tế – xã hội của Việt Nam. Thời gian tới, chúng ta càng cần học hỏi kinh nghiệm những nước đã giải quyết thành công vấn đề này.

>> Để nâng cao đời sống và sức khỏe NCT, công tác DS – KHHGĐ cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về NCT, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tổ chức, triển khai Luật NCT; tổ chức kiểm tra, giám sát, thanh tra quy trình thực hiện, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NTC…

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!