T2, 06/07/2020 02:12

Giám sát hành trình tàu cá: Ngư dân an tâm ra biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Nếu như trước đây, mỗi khi nghe tin có tàu cá bị rượt đuổi ở quần đảo Hoàng Sa, vợ các ngư dân phải tập trung đến các đài canh Icom cộng đồng chờ đợi, nghe ngóng tin tức, chỉ nghe tiếng chứ không thấy hình ảnh. Thì ngày nay, với việc trang bị các thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, ngư dân càng vững tâm hơn khi ra khơi khai thác khi thông tin mỗi chuyến đi đều được theo dõi cụ thể, rõ ràng.

Đêm ngày trực tuyến

Mờ sáng 2/4, chị Nguyễn Thị Kim Hồng, vợ ngư dân Đặng Tự (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhận được một cú điện thoại trực tiếp từ quần đảo Hoàng Sa, thông báo về tình hình “nóng” đang diễn ra trên biển. Ngay sau khi nhận được tin, chị Hồng dùng điện thoại để tìm vị trí chiếc tàu, đó là 16042’N – 112025’44”E, khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Do được gắn thiết bị giám sát hành trình Thuraya SF 2500 trên tàu, vì vậy đường đi của chiếc tàu được hiển thị thành một vệt đỏ trên màn hình điện thoại cảm ứng.

Sau khi đã nắm được tình hình đang diễn ra, chị Hồng đã lập tức hỏi thăm tin tức, sau đó báo cáo với các cơ quan chức năng và Bộ đội Biên phòng tỉnh. Từ đó, có thể thấy, một vụ việc trên biển cách đất liền hàng trăm hải lý vừa xảy ra thì trong đất liền đã nắm được và các cơ quan chức năng có thêm được thông tin rất chi tiết về tàu cá.

Tối 3/4, khi đến làng chài xã Bình Châu tác nghiệp và nắm về tình hình diễn biến trên biển, lúc đó, trên màn hình điện thoại của chị Hồng đã hiện ra vô số những đường chỉ đỏ là hướng đi của con tàu. Chị cho biết, toàn bộ thông tin về chuyến hành trình của chiếc tàu QNg 90045 TS, do chồng chị làm thuyền trưởng được hiển thị đã giúp người thân trong đất liền dù lo lắng, nhưng cũng yên tâm vì đến chiều tối 2/4 thì tàu đã hành trình về khu vực đảo Đá Lồi. Tọa độ của tàu vào thời điểm đó là 16015’5”N – 111033’94”E.

Ảnh minh họa

Tại khu vực cuối xóm Ghành Cả, thôn Châu Thuận Biển vào khuya 2/4, ông Nguyễn Thanh Nam đang ngồi bên chiếc máy Icom tầm xa IC-M 710 để nối thông tin với 2 tàu cá QNg 90929 TS. Trên màn hình điện thoại hiện lên tín hiệu tàu QNg 90929 TS đang di chuyển với tốc độ 0.8 knots, tọa độ 16054’26”N – 112024’30”E. Ông Nam cho biết, tàu gia đình được lắp thiết bị giám sát hành trình Vifist.18 của Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng Hải Việt Nam, do đơn vị Đài Duyên hải miền Trung tại TP Đà Nẵng lắp đặt; thiết bị loại này không có chức năng gọi điện thoại vệ tinh, nhưng có thể nhắn tin trực tiếp qua điện thoại.

Ông Nam chia sẻ, những thông tin mà người con trai hàng ngày nhắn từ Hoàng Sa vào bờ đã giúp gia đình nắm tình hình kịp thời; cùng đó, những ngư dân có người thân đi trên tàu cá nếu muốn hỏi thăm người thân thì có thể xin thông tin chụp lại qua màn hình, sau đó gởi qua các mạng zalo, facebook.

Tại khu vực giữa thôn Châu Thuận Biển, dù về khuya nhưng một số người có người thân đi trên các tàu cá đang hành trình từ Hoàng Sa về đất liền vẫn thức giấc và đi lại ngoài bờ biển. Một ngư dân cho biết, giá thành mỗi cuộc điện thoại từ tàu vô bờ khá đắt đỏ, vì vậy có việc cần lắm thì a lô một chút, hẹn lên máy Icom và cho tần số; sau đó chạy tới đài Icom tầm xa để nói chuyện nhiều hơn. Cách kết nối thông tin với tàu cá Hoàng Sa như vậy giúp cho mọi việc đều chủ động, không ngờ công nghệ đã giúp cho việc liên lạc đơn giản như vậy.

Chế tài xử nặng

Tại cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng, một số ngư dân làm nghề lưới giã cào đánh bắt xa bờ quê ở Quảng Ngãi đã giãy nảy khi nghe nhắc tới thiết bị giám sát hành trình nghề cá rằng: “Thứ đó không hạp đâu, giám sát hành trình lỡ lộ luồng cá hết!”. Qua gặp gỡ một số ngư dân thì thấy, thực tế không phải ngư dân nào cũng hào hứng với chiếc máy giám sát tọa độ của tàu cá. Ý kiến của số nhỏ ngư dân này bắt nguồn từ việc thỉnh thoảng đã đi lấn qua vùng biển nước bạn; bên cạnh đó tàu làm nghề lưới giã cào quy định không được đánh sát bờ, nhưng lắp thiết bị này thì tàu cá vi phạm sẽ hết đường chối cãi.

Mở đầu cho việc kêu gọi ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là các địa phương tăng cường áp dụng chế tài xử phạt. Đó là ngày 24/3, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt hành hành chính đối với 4 chủ tàu cá với tổng số tiền là 900 triệu đồng, vì hành vi ra nước ngoài đánh bắt cá trái phép. Ngày 27/3, tại cảng Sa Kỳ, Chi cục Thủy sản và Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ đã lập biên bản xem xét tàu cá QNg 95780 TS của ngư dân Huỳnh Tấn Hải, quê ở xã Bình Chánh vì mất tín hiệu giám sát hành trình.

Thuyền trưởng Hải cho biết, tàu đi làm nghề câu mực, nhưng ra tới Hoàng Sa thì thiết bị giám sát hành trình Vifish.18 bị đứt tín hiệu. Kết luận việc mất tín hiệu là do máy móc, hay do con người can thiệp trong thực tiễn là điều không hề đơn giản. Theo quy định thì tàu cá trong vòng 10 ngày mất tín hiệu thì phải quay vào bờ. Tuy nhiên, mỗi chuyến biển 20 ngày có phí tổn trên 100 triệu đồng, nếu tàu đi Trường Sa đánh bắt 3 tháng thì phí tổn 400 – 500 triệu đồng; vì vậy, quy định này chỉ phù hợp với trên đất liền, còn trên biển thì khó mang tính khả thi.

>> Theo Sở NN&PTNT Bình Định, đến 7/5, toàn tỉnh đã có 3.066/3.156 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 97,1%. Cùng đó, sau 30/4, tàu cá nào không lắp thiết bị giám sát hành trình thì không hỗ trợ chi phí lắp đặt theo chính sách của UBND tỉnh và rút giấy phép khai thác thủy sản.

  Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!