Giảm thiểu tình trạng mang thai ở vị thành niên

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng 10/7/2013, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Họp báo hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm 2013 với chủ đề “Mang thai ở tuổi vị thành niên”. Đại diện các tổ chức: Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên họp quốc (UNICEF), WHO tại Việt Nam và đông đảo cơ quan báo chí trong cả nước đã tham dự.

Hiện, trên toàn thế giới có khoảng 16 triệu trẻ em gáivị thành niên từ 15 – 19 tuổi sinh con mỗi năm, trong khi các biến chứng khi mang thai và sinh con tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã có tiến bộ lớn trong việc đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; tuy nhiên, vẫn còn hơn 1/3 thanh thiếu niên chưa được tiếp cận với các phương tiện tránh thai. Dẫn tới tỷ lệ phá thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn còn cao, đặc biệt trong nhóm thanh niên chưa kết hôn.

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện trên thế giới có khoảng hơn 500 triệu trẻ em gái tại các nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phải mang thai và sinh con khi chưa trưởng thành về mặt thể chất. Bộ Y tế đã phối hợp với một số Bộ, ban ngành có liên quan triển khai thực hiện các mô hình can thiệp về SKSS và tình dục cho thanh niên và vị thành niên; tuy nhiên, mới chỉ tập trung vào nhóm thanh niên đã kết hôn. Tại nước ta, theo số liệu quốc gia về nhu cầu chưa được đáp ứng các phương tiện tránh thai ở nhóm đối tượng 15 – 19 tuổi chiếm 35,4%, nhóm 20 – 24 tuổi chiếm 34,6%. Hiện, hàng triệu trẻ em gái vị thành niên trên toàn cầu không được hưởng các quyền và cơ hội phát triển hết tiềm năng của mình, buộc phải thôi học sớm, dễ bị bạo lực và cưỡng bức tình dục, lập gia đình khi còn nhỏ tuổi…

Theo Tiến sĩ Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, mang thai ở tuổi vị thành niên là vấn đề cấp thiết mà trẻ em gái vị thành niên trên toàn thế giới đang phải đối mặt và không chỉ là vấn đề liên quan tới sức khỏe mà còn là sự phát triển. Nó có nguyên nhân sâu xa từ nghèo đói, bất bình đẳng giới, bạo lực, kết hôn sớm, sự không công bằng về quyền giữa trẻ em gái và bạn trai. Điều này cũng thể hiện công tác bảo vệ quyền cho trẻ em vị thành niên chưa tốt. Đồng thời, nhân Ngày Dân số Thế giới 2013, ông cũng kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng thế giới, rằng vị thành niên và thanh niên cần phải được giáo dục giới tính toàn diện, phù hợp để các em có kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cần có sẵn các dịch vụ chăm sóc SKSS chất lượng dành cho vị thành niên để các em được quyết định và lựa chọn giúp các em có cuộc sống khỏe mạnh. Các cơ quan như UNFPA, UNICEF, WHO luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng một môi trường chính sách tích cực và dựa trên những bằng chứng dành cho giáo dục tình dục toàn diện cho thanh niên Việt Nam; Thúc đẩy tiếp cận phổ cập gói dịch vụ thân thiện với thanh thiếu niên về sức khỏe tình dục, SKSS tại khắp các thôn bản, vùng miền…

Nhân dịp này, Bộ Y tế và Liên Hợp quốc tại Việt Nam kêu gọi các nỗ lực nhiều hơn nữa từ Chính phủ, các đối tác phát triển quốc tế và các bên liên quan cùng phối hợp giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giải quyết các yếu tố ảnh hưởng tới việc mang thai sớm trong nhóm trẻ vị thành niên. Để các em có thể giúp mình và gia đình thoát khỏi nghèo đói, tạo sự thay đổi trong cộng đồng và thế hệ trong tương lai.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!