Hậu Lộc (Thanh Hóa): Gian nan thực hiện Đề án 52

Chưa có đánh giá về bài viết

Hậu Lộc là một trong 7 địa phương của Thanh Hóa được triển khai Đề án 52. Toàn huyện có 5 xã bãi ngang được thực hiện Đề án. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, các xã gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn nhiều mặt

Nhìn nhận thực tế của địa phương trong công tác dân số, ông Vũ Văn Huân, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Hậu Lộc cho biết: Hoạt động chăm sóc SKSS tại vùng ven biển còn nhiều hạn chế, bất cập như: Trang thiết bị y tế còn hạn chế, số lượng bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của địa phương. Tỷ suất sinh trên địa bàn toàn huyện năm 2014 ước 8,21‰, trong đó các xã ven biển là 8,48‰. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của các xã ven biển năm 2014 là 26,97%. Tỷ lệ phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh sản với trên 75%, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây qua đường tình dục vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung của toàn huyện. Hậu Lộc là huyện nghèo, trình độ dân trí thấp và chưa đồng đều, có đồng bào Thiên chúa giáo sinh sống đan xen, nhận thức của người dân còn hạn chế.

Cũng như các địa phương khác, nhu cầu có con trai nối dõi và sinh thêm con của các cặp vợ chồng vùng biển tại các xã trong huyện Hậu Lộc vẫn ở mức cao và có chiều hướng tăng. Số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng về trí tuệ đang có chiều hướng tăng do phần lớn số phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi sinh con, sống trong môi trường biển ngập mặn chưa được tư vấn và khám phụ khoa để ngăn ngừa bệnh tật… Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường. Hầu hết trang thiết bị tại một số trạm còn thiếu, chưa được nâng cấp, không đủ đáp ứng việc khám chữa bệnh cho người dân. Những người đi biển ít được tiếp cận với công tác truyền thông và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Hoạt động chăm sóc SKSS/KHHGĐ  ở Thanh Hóa được đẩy mạnh – Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, rào cản của Hậu Lộc còn từ công tác tuyên truyền vận động. Thời gian tổ chức triển khai thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Hậu Lộc có nhà máy may thu hút gần 2.500 chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ làm việc tại nhà máy theo ca, gây khó khăn cho việc tập hợp lực lượng để tư vấn cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ, vì vậy đối tượng tham gia còn ít, chưa đúng với thực tế.

 

Từng bước khắc phục

Quán triệt việc thực hiện theo kế hoạch, lãnh đạo Trung tâm Dân số huyện đã chỉ đạo các xã, các ban ngành thành viên tuyến xã, lãnh đạo các thôn xóm  do Trưởng ban chỉ đạo công tác DS – KHHGĐ xã là Chủ tịch xã hoặc Phó Chủ tịch xã chủ trì công tác dân số. Giao chỉ tiêu cho từng xóm, thôn, bản, tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, vận động như: Kẻ vẽ khẩu hiệu, xây dựng panô, tổ chức mít tinh… tại các cụm dân cư, chuẩn bị địa điểm các phương tiện liên quan đảm bảo tổ chức thực hiện dịch vụ khi đội lưu động Y tế – KHHGĐ huyện về xã triển khai nhiệm vụ. Qua việc thực hiện đợt 1 năm nay, tỷ suất sinh của các xã thực hiện Đề án là 8,48‰. Trong đó, việc thực hiện đặt vòng tránh thai 68 ca/1.014 ca, đạt 8,2% kế hoạch năm. Thuốc tiêm tránh thai đạt 29% kế hoạch năm. Số người sử dụng bao cao su đạt 34% kế hoạch năm, sử dụng thuốc uống tránh thai đạt 29% kế hoạch năm. Huyện cũng thực hiện 290 lần phát thanh, 22 buổi nói chuyện chuyên đề, gắn 10 panô khẩu hiệu mới. Đã có 504 phụ nữ được khám thai và  234 người được cấp viên sắt.

Đánh giá về kết quả thực hiện Đề án, ông Vũ Văn Huân cho biết: Việc thực hiện Đề án được người dân ủng hộ và tham gia đông đảo, đội ngũ cán bộ dân số cơ sở, cộng tác viên rất nhiệt tình trong công tác tuyên truyền vận động thực hiện. Nhưng kết quả còn chưa cao, một số hoạt động chưa đạt kế hoạch đề ra. Do đó, từ nay đến cuối năm và trong năm 2015, Trung tâm sẽ vận động các xã thực hiện hoàn thành mục tiêu và kế hoạch đề ra. Cụ thể, từ nay đến cuối năm, các địa phương sẽ duy trì ổn định tỷ suất phát triển dân số ở mức 0,7%, giảm tỷ suất sinh thô từ 13,1‰ năm 2011 xuống  11‰ vào năm 2015, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 22,41% năm 2013 xuống 14% vào năm 2014. Trong chỉ tiêu SKSS/KHHGĐ, phấn đấu đến năm 2015 có 90% số chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tư vấn về SKSS/KHHGĐ, 85% số phụ nữ trong độ tuổi tham gia dịch vụ KHHGĐ. Địa phương mong muốn các xã và chính quyền huyện quan tâm hỗ trợ thêm nguồn kinh phí… Phía Trung ương và tỉnh đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật cho Trung tâm, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung lâm sàng của Đề án.

>> Toàn huyện Hậu Lộc có 12.837/42.035 hộ, với dân số là 58.292/172.684 người, chiếm 33,75 % dân số toàn huyện, tổng số phụ nữ 15 – 49 tuổi có chồng 9.089/ 27.701 người.

Thảo Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!