Khẩn cấp “bơm” tiền cứu doanh nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, về sự chênh lệch giữa nguồn nguyên liệu thức ăn mua vào và giá cá bán ra thị trường, họ rất mong tiếp cận với các nguồn hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại, liệu những chủ trương hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có nhanh chóng đi vào thực tế?

Ngàn cân treo sợi tóc

Báo cáo mới đây nhất của Tổng cục Thuỷ sản chỉ ra rằng khó khăn hiện nay mà các DN thuỷ sản gặp phải là tình trạng thiếu vốn, giảm công suất hoạt động trong sản xuất, dịch bệnh còn tràn lan… tình trạng thiếu vốn xảy ra với các DN xuất khẩu, chế biến và cả người nuôi trồng thuỷ sản.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cũng khẳng định: Chưa bao giờ, xuất khẩu thủy sản gặp thách thức lớn như hiện nay bởi ngoài khó khăn về vốn, về thị trường, việc xuất khẩu nhóm hàng này, nhất là xuất khẩu tôm, cá tra đang phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng gia tăng tại nhiều thị trường. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang các nước EU sụt giảm mạnh, trong đó Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm 10,9%, Italy giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cũng cho biết, khó khăn về nguyên liệu, đặc biệt là thiếu vốn khiến nhiều DN thủy sản lao đao. Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 400 DN trên tổng số 800 DN thủy sản bị “đổ vỡ”, trong đó dính đòn nặng nhất là các DN xuất khẩu cá tra. Hiện chỉ còn 20% DN cá tra tồn tại và phát triển bình thường, 80% DN trong tình trạng “hấp hối”. Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm, chỉ có 473 DN tham gia xuất khẩu, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu các gói hỗ trợ không nhanh được giải ngân, sẽ còn nhiều doanh nghiệp đổ vỡ – Ảnh: Nam Anh

Giá cá tra nguyên liệu hiện nay giảm liên tục, giờ chỉ còn 20.500 – 21.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi lỗ trung bình khoảng 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá xuống thấp nhưng DN vẫn không mặn mà mua khiến nông dân càng điêu đứng. Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An ngậm ngùi.

Trong khi giá cá tra liên tục giảm thì giá thức ăn nuôi loài cá này (chiếm 70 – 80% giá thành sản xuất) liên tục tăng trong. Nhiều thông tin cho biết, giá thức ăn thủy sản từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều đợt tăng giá mới, bởi nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng cao trong thời gian gần đây. Theo tính toán của ông Hải, trung bình thức ăn chăn nuôi sẽ tăng ít nhất 500 đồng/kg. 

Bên cạnh đó, với người nuôi, quá trình nuôi diễn ra tự phát, không tuân thủ kỹ thuật do thả giống với mật độ quá cao với mong muốn đạt sản lượng cao/đơn vị diện tích mặt nước. Tuy nhiên, tình trạng này dẫn đến hiện tượng dịch bệnh lây lan và chất lượng nguồn nước xấu đi, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ thức ăn của cá, làm tăng chi phí thức ăn và phát sinh thêm nhiều chi phí khác. Ngoài ra, con giống cá tra nuôi hầu hết không được kiểm dịch và không kiểm soát được chất lượng nên tỉ lệ hao hụt rất cao, nguy cơ xảy ra bệnh và rủi ro do cá chậm lớn, từ đó phát sinh chi phí thả bù, càng tạo ra nhiều áp lực lên người nuôi cá tra, dẫn đến nguy cơ treo ao, giảm diện tích.

Giám đốc một DN thuỷ sản cho biết: Ngành thủy sản đang trong tình trạng khó khăn do giá thành sản xuất tăng, nguyên liệu đầu vào khan hiếm và khó khăn trong huy động vốn, do DN không dễ đáp ứng được những điều kiện của ngân hàng. Hiện rất nhiều DN không có tiền để thu mua nguyên liệu trong dân về chế biến cho XK do không có tiền mặt. Chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất 19 – 20%. Từ tháng 7, khi có quyết định giảm lãi suất xuống dưới 15%, nhưng để được tiếp cận với mức lãi suất này thì DN phải giải ngân xong số nợ cũ. Và với điều kiện này thì chỉ có 5% số DN đáp ứng đủ yêu cầu trên.

 

Có cơ hội tái sinh?

Trước những khó khăn của hai mắt xích quan trọng trong ngành cá tra, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người nuôi, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu với gói tín dụng khoảng 9.000 tỷ đồng để tiêu thụ khoảng 800.000 tấn cá tra đến hết năm 2012.

VASEP cũng kiến nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nghiên cứu giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành cá tra Việt Nam thông qua 2 gói hỗ trợ vốn cho DN để thu mua và tiếp tục nuôi cá tra nguyên liệu. Đối tượng được ưu tiên là các DN có nhà máy chế biến cá tra XK để tiếp tục sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân, đồng thời gián tiếp cứu người nuôi cá. Ước tính cần khoảng 5.000 tỷ đồng để mua 200.000 tấn cá tra của dân. Do đó, VASEP đề nghị VDB hỗ trợ các DN có hợp đồng XK thu mua nguyên liệu cá tra, kỳ hạn vay 4 tháng (2 kỳ hạn cho năm 2012) với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, giải ngân theo tiến độ thu mua. Ngoài ra, gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra tập trung vay vốn để mua thức ăn, tiếp tục nuôi cá đang trong ao. Kỳ hạn cho vay là 4 tháng (một nửa chu kỳ nuôi); mỗi ha ấn định sản lượng là 300 tấn/ha để tính mức cho vay. Ước tính có khoảng 100.000 tấn cá cần tiếp sức, tương ứng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Về lâu dài, theo lãnh đạo VASEP, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa DN và người nuôi trồng thuỷ sản, có sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa 3 nhà: nuôi – chế biến – xuất khẩu. Bởi hiện nay trên thị trường, một số DN vẫn theo kiểu “làm ăn thời vụ”, khi được mùa thì đổ xô tìm nguyên liệu, lúc khó khăn thì bỏ bê người nuôi, khiến việc thu mua nguyên liệu luôn bấp bênh.

Liên quan đến kỹ thuật nuôi trồng, ông Hải kiến nghị: Nhà nước chỉ cho phép những cá nhân, tổ chức tham gia nuôi thuỷ sản khi họ có đủ chứng chỉ đã qua đào tạo về nuôi trồng thuỷ sản. Tình trạng để nuôi tự phát như hiện nay sẽ làm chất lượng nuôi trồng giảm sút, không đủ tiêu chuẩn về hàm lượng, vi phạm VSATTP…

>> Giám đốc một doanh nghiệp thuỷ sản cho biết: Ngành thủy sản đang trong tình trạng khó khăn do giá thành sản xuất tăng, nguyên liệu đầu vào khan hiếm và khó khăn trong huy động vốn, do doanh nghiệp không dễ đáp ứng được những điều kiện của ngân hàng.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!