Khi nông dân “tự bơi” và nhà máy “chết lâm sàng”

Chưa có đánh giá về bài viết

Hàng năm, vùng ĐBSCL cung cấp trên 40% sản lượng đánh bắt thủy sản và trên 74% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Tuy vậy, công nghiệp chế biến thủy sản ở đây đang khó khăn chưa từng có. Nguyên nhân chính là thiếu chiến lược phát triển bền vững.

Khó khăn và thách thức

Trong Hội nghị ngành công thương vùng ĐBSCL lần thứ XV tổ chức tại TP.Cần Thơ, ngày 24/10, ông Võ Văn Phúc, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam, đã nêu ra thực trạng về vấn đề này.

Theo ông Võ Văn Phúc, trong 5 năm gần đây, do chính sách tăng trưởng tín dụng quá nóng và thiếu kiểm soát của ngành ngân hàng, hàng loạt nhà máy chế biến dưới chuẩn ra đời, công suất vượt xa khả năng cung ứng nguyên liệu, gây ra tình trạng tranh mua, tranh bán ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến hơn 50% nhà máy chế biến thủy sản trong vùng ĐBSCL khốn đốn.

Nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến luôn trong tình trạng bếp bênh, trong khi vai trò của Nhà nước lại quá mờ nhạt trong lĩnh vực nuôi trồng. Từ công tác qui hoạch, thủy lợi, môi trường, nghiên cứu sản xuất, quản lý thuốc trị bệnh, quản lý sử dụng kháng sinh cấm, chính sách tín dụng… chủ yếu nông dân “tự bơi” nên trúng mùa hay thua lỗ thường là do “hên xui”.

Hiện, hơn 50% nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ đóng cửa – Ảnh: Huy Hùng

Trong khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản đang thiếu và yếu. Hiện hầu hết các chất phụ gia, hóa chất sử dụng trong chế biến đều phải nhập khẩu và bất lợi nhất là ngành chế biến thủy sản Việt Nam lại đang nhập khẩu của chính các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thái Lan và Ấn Độ.

Mặt khác, chi phí sản xuất ngày càng tăng, lợi thế cạnh tranh thấp do chi phí sản xuất tăng cao, nên sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến trong nước không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Cơ quan nhà nước lại chưa thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong hoạt động kiểm nghiệm xuất khẩu. Việc bơm chích tạp chất vào tôm gây thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tôm xuất khẩu của Việt Nam, nhưng việc xử lý còn khá nhẹ và thiếu kiên quyết.

Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thường xuyên bị rào cản kỹ thuật tại các thị trường lớn Mỹ và Nhật Bản… đã làm cho không ít doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phá sản.

 

Giải pháp

Ông Võ Văn Phúc cho biết, trước tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản vùng ĐBSCL đã khó khăn lại khó khăn thêm, để ngành công nghiệp thủy sản đứng vững cần thiết phải thực hiện một số giải pháp:

Cần xem doanh nghiệp chế biến thủy sản là loại hình doanh nghiệp có điều kiện để ngăn ngừa sự ra đời thêm những nhà máy thiếu chuẩn; Cơ quan chức năng cần mạnh dạn đóng của các nhà máy không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, các nhà máy “chết lâm sàng” nên cho phá sản để tránh gây ảnh hưởng xấu đến các nhà máy làm ăn hiệu quả.

Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản sớm thành lập trung tâm nghiên cứu nuôi tôm bền vững cho vùng ĐBSCL. Đồng thời có chính sách tín dụng nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo nguồn cung cho chế biến xuất khẩu và kích thích các ngành nghề khác phát triển. Người nuôi đang là đối tượng bị tổn thương, do sản phẩm bán dưới giá thành dẫn đến thua lỗ, không còn điều kiện để tái sản xuất.

Tín dụng ngân hàng cần phải có giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng, cơ chế lãi suất cần hợp lý để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Đồng thời, thuế sản xuất chế biến và phí đang ở mức cao, cần phải được xem xét giảm hợp lý để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam. Mặt khác, các cơ quan ban ngành liên quan cần tăng cường hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, đặc biệt ở các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản…; quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nuôi trồng và chế biến.

>> Nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản trong nước, Bộ Công thương cần đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, phục vụ nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản, giảm dần lệ thuộc vào nhập khẩu của chính các đối thủ cạnh tranh.

Trường Ca

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!