Không nên để ngư dân làm thuê trái phép

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau vụ việc 162 ngư dân Thanh Hóa đi làm thuê trái phép cho tàu cá Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng cần tạo công ăn việc làm ổn định tại địa phương để ngư dân yên tâm. Ông Trần Cao Mưu (ảnh) – Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam trao đổi với Thủy sản Việt Nam về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về việc 162 ngư dân Thanh Hóa đi làm thuê trái phép cho tàu cá Trung Quốc?

Thông tin ban đầu của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa với 162 ngư dân đi làm thuê trái phép cho tàu cá Trung Quốc, nhưng theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến giữa tháng 5/2013, đã có 1.560 lao động tập trung ở các huyện ven biển đi làm thuê trái phép tại Trung Quốc. Việc hợp tác lao động giữa các nước trong khu vực, gồm cả việc làm thuê cho một số doanh nghiệp tư nhân (như khai thác cho một số tàu cá của các nước Malaysia, Thái Lan…) là chuyện làm ăn rất bình thường. Nhưng những người đi lao động hợp tác làm thuê đó phải được cơ quan chức năng nhà nước cho phép và phải thông qua một công ty hoặc tổ chức nào đó, ký hợp đồng sòng phẳng với đối tác.

Trường hợp này, một số ngư dân Thanh Hóa tham gia làm thuê cho tàu Trung Quốc không theo tổ chức nào và không được phép của chính quyền địa phương nơi họ cư trú. Người lao động ở đây chưa ý thức được rằng họ phải chấp hành đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế; người thuê lao động sai, khi không có đủ điều kiện giấy tờ mà vẫn tiếp nhận số lao động kia làm việc cho mình. Người lao động ở đây sai, vì đã trốn tránh sự quản lý của Nhà nước, tự ý làm việc với đối tác nước ngoài. Sau này, nếu có tranh chấp quyền lợi hoặc xảy ra tai nạn lao động thì họ sẽ kêu ai? Ai sẽ phải bồi thường cho họ? Họ sẽ nhận bồi thường ở đâu? Theo quy định hiện hành, người lao động hợp tác phải thông qua một tổ chức, đơn vị nào đó được Nhà nước cho phép ký hợp đồng.

 

Theo ông, Sở NN&PTNT Thanh Hóa cần có biện pháp gì để giải quyết việc này?

Trước hết, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có trách nhiệm giải quyết. Mặt khác, gia đình những ngư dân này cũng có trách nhiệm kêu gọi người thân của họ sớm trở về. Thế cũng có nghĩa, trước hết, Sở NN&PTNT cùng các cơ quan hữu quan ở Thanh Hóa có trách nhiệm đề xuất giải pháp, sau đó trực tiếp triệu tập số ngư dân đó về, có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

HNC Việt Nam đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với HNC Thanh Hóa, giải quyết việc này sao cho hợp lý hợp tình nhất.

 

Nhưng vấn đề này cũng liên quan đến công ăn việc làm của họ?

Xin nhắc lại, người lao động Việt Nam đi làm thuê cho người nước ngoài không có hợp đồng là sai. Thêm nữa, không thể nhân danh đảm bảo thu nhập cho một số cá nhân nào đó mà gây ảnh hưởng tiêu cực, bất lợi cho an ninh quốc gia. Chúng tôi đề nghị toàn thể ngư dân các tỉnh ven biển, không tự ý đi hợp tác làm thuê cho người nước ngoài không phù hợp quy định của Nhà nước, như một số ngư dân tỉnh Thanh Hóa vừa qua. Mặt khác, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương cần thể hiện hơn nữa quyền và trách nhiệm vận động, thuyết phục, duy trì nghiêm kỷ cương phép nước, không để tái diễn trường hợp tương tự.

Người lao động cần phải xác định, trường hợp nào cũng không tham gia làm thuê trái phép cho người nước ngoài. Để đảm bảo mưu sinh trên biển, ngư dân cần theo đúng quy định của chính quyền địa phương, trước hết là xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú, làm ăn. Chính quyền các cấp đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện cho ngư dân, ai chưa có nghề được học nghề, ai cần việc làm có việc làm hợp pháp. Làm thuê trái phép cho người nước ngoài thu nhập có thể cao hơn so với làm thuê hợp pháp trong nước, nhưng độ rủi ro rất lớn.

 

Ông có kiến nghị gì chính quyền các tỉnh ven biển, trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với đảm bảo an ninh quốc gia?

Các địa phương cần đầu tư kỹ thuật, cải tiến phương tiện nghề nghiệp để nâng cao hiệu quả trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản. Cần thành lập tổ đội, liên kết giúp đỡ hỗ trợ nhau trong sản xuất, chung tay xử lý khi có sự cố xảy ra. Cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nên tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của ngư dân, giúp ngư dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của nhà nước. Đồng thời kêu gọi nhân dân tích cực ra khơi giữ biển, kịp thời phát hiện, đấu tranh với mọi hành động vi phạm chủ quyền an ninh quốc gia.

>> Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, trong 1.560 lao động làm thuê trái phép tại Trung Quốc có 1.512 người làm việc trên bờ, 48 người làm việc trên tàu cá. Trong đó, huyện Hậu Lộc có 272 người, Hoằng Hóa có 275 người, TX Sầm Sơn 188 người, huyện Quảng Xương 762 người, huyện Tĩnh Gia 63 người. Số người bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt, trục xuất về nước là 49. Có 5 lao động “chui” bị chết (3 người chết do đắm tàu, 1 người đột tử và 1 người bị dân Trung Quốc đánh).

Thảo Dương (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!