T2, 06/07/2020 02:11

Nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, doanh nghiệp, mới đây Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2020. Tại đây, nhiều nội dung đã được mổ xẻ, bàn luận để hướng tới việc nâng cao hiệu quả khai thác cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Vẫn còn nhiều khó khăn 

 >> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: “Các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiếp tục triển khai các chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển khai thác hải sản và tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Các vụ, viện có liên quan cần tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường. 

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, mặc dù địa phương đã nỗ lực triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, tuy nhiên đến nay ở Kiên Giang vẫn chưa hoàn thành theo lộ trình của từng nhóm chiều dài tàu; cùng đó, địa phương cũng chưa ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá vi phạm trong hoạt động khai thác hải sản, khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Hiện nay, nhiều ngư dân không đủ khả năng tài chính nên việc trang bị đồng bộ các thiết bị, công nghệ tiên tiến, ngư, lưới cụ… phục vụ khai thác gặp nhiều khó khăn, tổn thất sau thu hoạch còn ở mức khá cao. Trình độ tay nghề của ngư dân tham gia khai thác hải sản hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật vận hành máy móc, thiết bị công nghệ mới nên hoạt động khai thác chưa mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, các trang thiết bị trên tàu cá hiện nay chỉ mới đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa, chưa đáp ứng được nhu cầu tự động hóa; cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở đóng sửa tàu thuyền vẫn còn lạc hậu; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi sản xuất từ khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt, vấn đề môi trường và ATTP cũng là một áp lực lớn cho địa phương…   

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản tiếp tục có dấu hiệu suy giảm cả về trữ lượng, chất lượng, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế bắt gặp với tần suất thấp, nhất là nhóm các loài hải sản tầng đáy. Hiện nay, ngư dân trong cả nước đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch COVID-19. Thị trường tiêu thụ hải sản bị gián đoạn do chưa xuất khẩu được, kéo theo giá sản phẩm bị giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của ngư dân. Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, cường lực khai thác vượt quá so với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản đã ảnh hưởng đến hoạt động bám biển của ngư dân.

Sớm triển khai các giải pháp

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định thông tin, hiện số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh rất lớn, khoảng 6.000 tàu, trong đó có hơn 3.160 tàu khai thác xa bờ. Tuy nhiên, công tác bảo quản sản phẩm sau khai thác của ngư dân vẫn còn hạn chế nên chất lượng không đạt yêu cầu. Trước tình hình này, tỉnh đã khuyến khích ngư dân và đến nay có khoảng 20% số lượng tàu thuyền trên địa bàn đã lắp đặt hầm bảo quản bằng vật liệu polyurethane (PU) nên sản phẩm sau thu hoạch có cải thiện, nhưng hiện chất lượng đá cây dùng để ướp cá vẫn chưa đạt. Toàn tỉnh có khoảng 340 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 6 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đã giải quyết được nhu cầu thu mua hải sản của ngư dân. Tỉnh đang xây dựng một chuỗi sản xuất từ khai thác, thu mua, chế biến theo công nghệ Nhật Bản.

Thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: N.Chung

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, việc giá thủy hải sản giảm sâu là điều bất lợi đối với ngư dân, tuy nhiên giá xăng dầu cũng giảm nên khai thác hải sản của ngư dân cũng có lãi ít. Đối với vấn đề xuất khẩu thủy sản thời gian qua gặp một số khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, tuy nhiên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay cũng đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Trong thời gian tới, tiềm năng khai thác thủy sản của Việt Nam khá cao, ngư dân vẫn hoạt động bình thường. Để mang lại hiệu quả, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và bảo quản sản phẩm sau khai thác đạt chất lượng. Các doanh nghiệp chế biến cần đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến đồ hộp… và nên chuẩn bị kho lạnh mua dự trữ nguyên liệu để sau dịch COVID-19 có thể xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới. Ngoài ra, địa phương cần tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển; tăng cường đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá; tổng kết hoạt động của chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến thủy sản…

Ngọc Chung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!