Những công nghệ “made in sinh viên”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2023, nhờ sự sáng tạo, đổi mới của sinh viên Việt Nam đã nghiên cứu thành công nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp với kỳ vọng trở thành “trợ thủ đắc lực” cho những người nuôi tôm nước ta.

Thiết bị tách vỏ tôm “2 trong 1” 

Máy tách vỏ tôm khô và đóng gói tự động là sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế của nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh. Thiết bị này khi được chuyển giao đến cộng đồng đã được người dân nhiệt tình đón nhận vì mang lại hiệu quả trong sản xuất. 

Máy tách vỏ tôm khô và đóng gói tự động của nhóm sinh viên Đại học Trà Vinh. Ảnh: HN

Ưu điểm của chiếc máy là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng tôm khô, bảo quản được lâu hơn từ 6 – 12 tháng, lại tiết kiệm thời gian, nhân lực. Thiết bị được kết nối liền kề nhau thành một dây chuyền đơn giản nhưng khép kín, từ bể chứa tôm sang cơ cấu đánh vỏ tôm, đến cơ cấu sàng và cuối cùng là cơ cấu đóng gói tự động. Người dùng có thể điều chỉnh được thời gian quá trình tách vỏ tôm, thời gian đánh vỏ tôm, thời gian sàng và số lượng đóng gói thông qua màn hình. Ngoài ra, máy còn được thiết kế thêm bộ phận giữ lại vỏ tôm nát để tái chế bảo vệ môi trường. Khi cho vàothiếtbị2kgtômkhôsẽcho ra 1,2 kg tôm đã sạch vỏ. Tổng tỷ lệ hao hụt là 40% (bao gồm 30% vỏ tôm và 10% tôm nát). Trong khi đó, phương pháp thủ công áp dụng trước nay trong quá trình đập, sàng và gỡ vỏ sẽ làm nát nhiều tôm hơn, trung bình 57,5% vỏ tôm và tôm nát. 

Công nghệ lọc nước ao nuôi 

Hiện nay tại các vùng nuôi tôm trên cả nước, việc xử lý nước đầu vào và nước thải nuôi tôm phần lớn đang phải sử dụng một lượng lớn hóa chất như thuốc tím (Pemanganat) hoặc Chlorine. Thế nhưng, những hóa chất này nếu được dùng với số lượng lớn và trong thời gian dài sẽ để lại tác động tiêu cực cho sức khỏe tôm và môi trường. Cùng đó, chi phí để đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn trong trang trại nuôi tôm lên đến hơn 2.000 đồng/m3. Trước thực tế trên, nhóm sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ đã đề xuất dự án “Hệ thống xử lý nước trong nuôi tôm”. Hệ thống dùng công nghệ điện hóa nước biển để tạo ra dung dịch nước muối điện phân (nước anolyte), sau đó thông qua thiết bị siêu âm có công suất 150W hoạt động ở tần số 26kHz để tạo ra các bọt khí siêu nhỏ (nanobubbles) tiêu diệt hầu hết vi khuẩn và vi sinh vật có hại cho tôm, giúp khử mùi từ thức ăn thừa và hóa chất độc hại tồn đọng trong nước. Cuối cùng nước sẽ đi qua máy sục khí ozon để tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại trong nước. Máy sục khí ozone cũng sẽ được sử dụng song song trong các bể nuôi tôm với nồng độ xác định. 

Giải pháp công nghệ lọc nước trong ao nuôi tôm. Ảnh: Trọng Nhân

Chế phẩm sinh học 

Với mong muốn trở thành “trợ thủ đắc lực” cho những người nuôi tôm tại Việt Nam, nhóm sinh viên ngành Khoa học Y sinh Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh – VNUK (Đại học Đà Nẵng) đã chế tạo chế phẩm sinh học Tom Probiotic. Sản phẩm có các tính năng chủ yếu như: xử lý mùn thải, làm sạch môi trường nước; tạo môi trường cho lợi khuẩn đường ruột tôm phát triển tốt, tăng miễn dịch tôm; kháng sinh tự nhiên, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa cho tôm. Sản phẩm là phiên bản mới nhất khắc phục được những nhược điểm của các chế phẩm hiện có trên thị trường và đặc biệt là tích hợp thêm chức năng ổn định pH của nước, từ đó mang lại hiệu quả vượt trội. Về tính khả thi, sản phẩm hướng tới đối tượng khách hàng chủ yếu là các chủ hộ nuôi trồng thủy sản và các gia đình làm nghề tương tự liên quan. Chế phẩm được sản xuất dưới dạng bột giúp người dùng dễ dàng trong việc trải nghiệm sản phẩm. 

Hệ thống giám sát và điều khiển ao nuôi 

Vừa qua, nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu hệ thống giám sát và điều khiển ao tôm – MDF, giúp người nuôi có thể kiểm soát tốt các vấn đề của nguồn nước thông qua việc cập nhật liên tục các thông số nước đến phần mềm trên điện thoại và máy tính. Hệ thống bao gồm nhiệt độ, pH (đo mức độ axit/bazơ của nước), DO (hàm lượng ôxy hòa tan) và mực nước. Hệ thống ứng dụng công nghệ không dây Lora để thực hiện kết nối và truyền tải dữ liệu. Cảnh báo đến người dùng khi nước có các vấn đề qua còi tại cảm biến trong ao và thông báo đẩy trên ứng dụng di động. Hiện, sản phẩm tương tự trên thị trường có giá khoảng 10 – 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hệ thống này có chi phí thấp hơn, giá từ 5 – 30 triệu đồng tùy loại thiết bị. 

Lê Loan (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!