Phải đào tạo cho ngư dân kỹ năng đối phó rủi ro!

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là khẳng định của ông Võ Thiên Lăng (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, khi trao đổi với Tạp chí Thủy sản Việt Nam ngay sau khi xảy ra sự việc tàu cá của ngư dân Kiên Giang khai thác trên vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Thái Lan, bị Cảnh sát Biển Thái Lan bắn, khiến một người tử vong, một người bị thương nặng.

Thưa ông, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc trên biển tương tự như vậy, điều này ảnh hưởng đến ngư dân thế nào?

Tình hình an ninh trên biển luôn nhiều biến động. Những vụ việc xảy ra trong nhiều năm nay, như: ngư dân bị cướp tài sản; tàu bị bắn phá, ngư dân bị thương, thậm chí bị bắn chết như trường hợp ngư dân tại Kiên Giang giữa tháng 9 vừa qua… Những vụ việc này đã ảnh hưởng nặng nề, gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho ngư dân nói chung khi tham gia khai thác trên biển. Đặc biệt, vụ việc 2 tàu cá của ngư dân Kiên Giang bị tấn công, khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương nặng gây nỗi đau lớn cho gia đình nạn nhân, không gì bù đắp được. Ngư dân Thái Lan và các nước khác nói chung cũng có tâm lý này, làm ảnh hưởng tới hoạt động khai thác, sản xuất trên biển, ảnh hưởng tới mối quan hệ hai quốc gia.

 

Theo ông, ngư dân có nên tham gia kiện trong vụ này?

Hiện, thuyền trưởng Nguyễn Hùng Cường (40 tuổi, ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang) đã cùng người nhà thuyền trưởng Ngô Văn Sinh (38 tuổi, bị bắn chết hôm 11/9) ký đơn nhờ Văn phòng luật sư Hà Hải (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ pháp lý tiến hành khởi kiện Cảnh sát Biển Thái Lan về hành vi xả súng vào tàu cá khiến anh Cường gãy xương đùi, anh Sinh thiệt mạng. Việc Cảnh sát Biển Thái Lan xả súng gây hậu quả như vậy, với bất cứ lý do nào cũng đã vi phạm pháp luật Thái Lan và quốc tế. Các cơ quan, ban ngành phía Việt Nam liên quan cần phối hợp, hỗ trợ ngư dân trong mọi điều kiện, bảo đảm cho ngư dân có thể thắng kiện trong vụ này.

 

Theo ông, việc giải quyết các vấn đề tại những vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các nước nên thế nào?

Việt Nam nên giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao; cơ quan quản lý, chính quyền các nước cần ngồi lại bàn bạc để có những thống nhất về luật pháp, quy định chung khi khai thác tại những vùng biển chồng lấn giữa các nước. Cảnh sát Biển, Cục Kiểm ngư… cần họp bàn đi đến thống nhất về hoạt động khai thác, có những quy định chung đưa ra, hai bên cùng thực hiện, hoặc thiết lập đường dây nóng về nghề cá giữa hai nước để ngư dân và cơ quan liên quan tuân thủ những quy định như vậy.

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang và Vụ Đông Á Bộ Ngoại giao Thái Lan đã có cuộc trao đổi các vấn đề quy định về chính sách pháp luật của Thái Lan. Hai bên thống nhất sẽ thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải quyết và hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố, khó khăn khi đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt là vùng biển chồng lấn giữa hai nước.

 

Vậy, lời khuyên cho ngư dân khi tham gia khai thác trên biển nói chung và những vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia, thưa ông?

Khi tham gia khai thác trên biển, ngư dân nên tập hợp thành những tổ đội, nhóm người, cùng khai thác trên một vùng biển, đề phòng tình huống xấu xảy ra. Khi gặp thiên tai hoặc sự cố khác, nên báo ngay cho lực lượng chấp pháp trên biển Việt Nam (Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng…), để được hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, ngư dân cần khai thác đúng phạm vi vùng biển Việt Nam, nắm rõ khu vực được phép khai thác, có bản đồ cầm theo để biết địa phận của mình.

Sau vụ việc này, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm việc đào tạo cho ngư dân kỹ năng đối phó rủi ro trên biển. Cần trang bị cho ngư dân biết, khi gặp lực lượng chính phủ thì nhận diện thế nào, ứng xử ra sao cho phù hợp. Khi gặp cướp biển, ngư dân cần biết biện pháp bảo vệ mình, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Cùng đó, mở những lớp đào tạo ngắn hạn với sự tham gia giảng dạy của Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, Biên phòng… Trước khi ra khơi, cần cho ngư dân thực hành tình huống cụ thể.

>> Trả lời về vụ việc ngư dân tỉnh Kiên Giang bị lực lượng chấp pháp Thái Lan bắn, Ngài Tanee Sangrat, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Á Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, chính sách của Chính phủ Thái Lan không cho phép dùng bạo lực giải quyết các trường hợp vi phạm đánh bắt trên biển; sự việc vừa qua, Thái Lan đã xử lý không tốt và đây là điều cả hai bên đều không mong xảy ra.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!