Phát triển tôm, cá tra: Trăn trở từ người trong cuộc

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2011, xuất khẩu tôm và cá tra của nước ta tiếp tục lập kỷ lục mới và đặt “sàn” kim ngạch xuất khẩu năm 2012 cao hơn. Tuy nhiên, tại các Hội nghị tổng kết vừa diễn ra tại 2 tỉnh Cần Thơ và Cà Mau, những người trong cuộc vẫn còn nhiều trăn trở.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch VASEP: Cá tra hiện nay đa phần do doanh nghiệp tự nuôi

Hiện nay, trên 70% sản lượng cá tra là do doanh tự nuôi. Để quản lý đúng mức doanh nghiệp tự nuôi, vì thường có giá thành thấp hơn so với nông dân tự phát nuôi cần phải liên kết lại với nhau, từ con giống, vùng nuôi đến xuất khẩu, như vậy mới giữ vững được vị thế con cá tra trên thương trường quốc tế. Hiện nay, cái khó nhất trong ngành nuôi cá tra là vấn đề chất lượng con giống và giá thức ăn tăng cao, nguồn nguyên liệu thức ăn cho cá chủ yếu nhập từ nước ngoài. Chính vì vậy, đẩy giá thành đầu tư trong nghề nuôi cá tra tăng cao, khiến nông dân nuôi cá sẽ không đủ sức đứng ra nuôi, nên đa phần là do doanh nghiệp tự nuôi.


Vốn đang tiếp tục là vấn đề khó với người nuôi cá tra          Ảnh: Duy Khương

 

Ông Nguyễn Văn Hảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản II: Chúng ta cần phải thay đổi

Qui trình nuôi tôm ở Việt Nam quá lạc hậu, kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi hầu hết là do các công ty, các nhà cung cấp thức ăn, thuốc thú y hướng dẫn, chuyển giao cho bà con nông dân. Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi. Bên cạnh đó, phải tuân thủ đến yếu tố mùa vụ, đây được xem là yếu tố quan trọng dẫn đến sản lượng tốt hơn.

Mặt khác, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, người nông dân cần cùng nhau phối hợp giải quyết những khó khăn chung và đồng hành với nông dân để đảm bảo mang lại vụ mùa thắng lợi.

 

Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương: Đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp

Năm 2011, xuất khẩu cá tra là đạt 1,8 tỷ USD. Năm 2012, Bộ NN&PTNT đưa ra chỉ tiêu 2 tỷ USD. Thực chất, để xuất khẩu đạt mốc, với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, vấn đề khó khăn hiện nay là vốn phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản. Năm 2011, Công ty cần 100 tỷ đồng đầu tư 600 ha vùng nuôi, nhưng không thực hiện được đành làm ở diện tích nhỏ. Trong khi đó, Chính phủ cho vốn nuôi trồng vùng tôm lớn gấp 2-3 lần so với con cá tra. Mặt khác, từ nay đến cuối tháng 10/2012, giá cá tra nằm ở mức ổn định là trên 26.000 đồng/kg. Nguồn cung cá nguyên liệu cho xuất khẩu sẽ thiếu hụt cho các đơn hàng ký xuất khẩu, do vậy, đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp để đảm bảo đáp ứng chỉ tiêu của Bộ NN&PTNT, nhằm góp phần đạt mốc 2 tỷ USD của ngành cá tra.

 

Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Chủ nhiệm Hợp tác xã huyện Châu Phú, An Giang : Cái khó vẫn là vốn vay ngân hàng

Từ năm 2000-2011, tình hình nuôi cá tra đang gặp rủi ro rất cao. Một vấn đề ngạc nhiên là trong tháng 10 và 11 năm 2011, giá cá tra đột biến tăng lên đạt đỉnh là 28.000-29.000 đồng/kg. Nhưng giá đó đứng không lâu, vài ngày sau lại xuống với mức bình thường là 24.000-26.000 đồng/kg. Cái tồn tại lâu nay cho ngư dân nuôi cá tra ở ĐBSCL là gặp khó vốn vay ngân hàng, nếu có thì ngân hàng chỉ cho vay vài trăm triệu đồng/ha, với mức vay như thế này chỉ đủ đáp tiền mua thuốc thủy sản mà thôi, chứ không đủ mua thức ăn cho 1 ha. Vì trung bình, nông dân đầu tư 1 ha nuôi cá tra phải cần trên 1,5 tỷ đồng.

 

Lê Hoàng Vũ – Nam Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!