Quảng Bình: Nỗi lo cá giống nước ngọt

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 3.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Trong hai cơn lũ, số diện tích cá thịt và cá giống bị thiệt hại nặng nề. Sau lũ, bà con nông dân đã chủ động tu sửa be đập, nạo vét hồ cho vụ thả cá mới. Tuy nhiên, vấn đề giống cá lại đang khá nan giải…

Hiện tại, ao hồ ở các địa phương bị thiệt hại đã được dọn vệ sinh và gia cố lại những đoạn bờ bị sạt lở. Một số hộ nuôi còn sót cá trong hồ thì tiếp tục nuôi vỗ để chờ bán vào dịp Tết.

Trang trại nuôi cá nước ngọt của anh Lê Xuân Ngọc (xã Tân Thủy – Lệ Thủy) đang gặp khó khăn về giống sau lũ

Trang trại anh Trần Văn Hợp (Tân Lạc, Tân Thủy, Lệ Thủy) gần 4 ha, trong đó nuôi cá thịt và ương cá giống. Lũ ập đến, nước băng mặt hồ khiến gần vạn con cá giống và cá thịt trị giá gần 60 triệu đồng trôi mất. “Tôi đã vay mượn anh em mỗi người một ít để thả nuôi lại, mong vớt vát được vài phần đã mất…” – anh Hợp cho hay. Khoảng 4 năm lại đây, ông Dương Công Dĩ (thôn Tân Hạ) thu 80 – 100 triệu đồng/năm từ nghề nuôi cá nước ngọt. Đây là khoản thu chính của gia đình. Trước lũ, ông thả cá giống rô, chép vào 7 ha ao nuôi, sau gần 2 tháng, trọng lượng mỗi con 0,2 – 0,5 kg. Trong khi sắp cầm chắc 50 triệu đồng trong vụ cá này thì nước lũ về. Bây giờ muốn có cá giống thả ngay cho kịp cũng khó. Ông Dĩ than thở: “Nhìn ao hồ để trống mà buốt cả ruột, trong khi đó, nhu cầu cá ăn tết của mọi người đang tăng cao…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh cho biết: “Những năm trước, trung bình mỗi năm 6 cơ sở trên địa bàn sản xuất được 120 triệu con cá bột và 22 triệu cá hương, cá giống. Bên cạnh đó, tại các địa phương còn có trên 100 hộ chuyên ương nuôi, dịch vụ cá giống nước ngọt với quy mô nhỏ cũng góp phần đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi trong tỉnh. Phổ biến nhất vẫn là cá giống trắm cỏ, rô phi đơn tính, rô đồng, chép, mè… Tuy nhiên sau đợt lũ, các cơ sở sản xuất và ương nuôi bị thiệt hại nặng nên tình trạng thiếu hụt và khan hiếm cá giống xảy ra…”. Trung tâm Giống thủy sản tỉnh có Trại cá giống Đại Phương. Hiện, trại này dường như đang bị “xóa sổ”. Gần 80 vạn con cá giống, 1 tấn cá thịt thương phẩm, trên 3.000 cá bố mẹ và cá hậu bị bị cuốn trôi. Thiệt hại trên 700 triệu đồng. Thiệt hại càng lớn, bởi đây là một trong những địa chỉ lớn đáng tin cậy cung cấp cá giống cho các hộ nuôi. Trung bình mỗi năm đơn vị sản xuất và cung ứng 50% cá giống cho nhu cầu thả nuôi.

Tại cơ sở ương nuôi cá giống của anh Lê Xuân Ngọc, một trong những cơ sở có uy tín ở Lệ Thủy, cũng đang cảnh “nhà nghèo gặp khó”. Trận lũ vừa rồi anh mất 2 vạn cá giống, 2 vạn cá thịt và 5 vạn ếch giống, trong đó có trên 200 cặp cá bố mẹ. Do nguồn giống thiếu nên anh phải vào Quảng Trị tìm mua giống để tái thả. Nhưng do lượng giống ít nên trên diện tích 3 ha mới chỉ thả được khoảng 3 vạn cá giống. Anh Ngọc dự đoán: “Phải lâu lâu nữa cơ sở ương nuôi cá giống của gia đình tôi mới lấy lại được năng lực sản xuất như ban đầu. Đây cũng là thực trạng chung hầu hết các cơ sở sản xuất và ương nuôi cá giống tư nhân trong tỉnh…”.

Đợt lũ đã qua gần 2 tháng nhưng nhiều ao hồ vẫn đìu hiu, chưa thả nuôi cá mới. Những diện tích tiếp tục thả nuôi thì cá giống thưa thớt và nuôi theo kiểu “vớt vát”. Đó là do nguồn cá giống đang khan; cá giống trên thị trường bán “đôn” giá cao quá. Anh Ngọc buồn buồn: “Trước đây, giá bán 1kg cá giống trắm cỏ khoảng 40 ngàn đồng thì nay trên 80 ngàn đồng. Các loại cá giống khác cũng tăng  gấp đôi…”.

Theo nhiều bà con nuôi trồng thủy sản thì giá cá giống tăng cao do được các chủ cung cấp đưa từ tỉnh khác về. Do vận chuyển xa, lại khó kiểm soát nguồn gốc nên tỷ lệ cá sống chỉ khoảng 70%; trong khi đó, giống cá lấy từ nguồn trong tỉnh thả những vụ trước có tỷ lệ  sống 90%-95%.

 

Ông Trần Đình Du – Phó Giám đốc sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết: “Toàn bộ diện tích ao hồ đều bị ngập, nhưng đáng lo nhất là diện tích ao nuôi cá giống ở các địa phương cũng bị tràn bờ. Đặc biệt, 6 trại sản xuất cá giống nước ngọt trong tỉnh cũng bị mất trắng. Trong khi đó, mỗi năm sản lượng cá nước ngọt cung cấp cho thị trường gần 5.000 tấn (riêng cá ao đã 3.500 tấn). Vì vậy, nếu không khẩn trương khôi phục nghề nuôi thủy sản nước ngọt thì chỉ vài tháng nữa, nhất là dịp Tết, nguồn thực phẩm thủy sản sẽ thiếu hụt và giá thủy tăng cao…”.

Thạch Bắc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!