T2, 06/07/2020 01:27

Quảng Nam: Bất cập bảo hiểm tàu công suất lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Có đến 261 tàu công suất lớn của ngư dân trên địa bàn tỉnh không mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ từ năm 2018 đến nay. Nhiều ngư dân cho rằng các loại bảo hiểm này được Nhà nước hỗ trợ với mức thấp nên không thực hiện.


Không ít “tàu 67” của ngư dân trên địa bàn tỉnh ra khơi mà không có bảo hiểm cho tàu cá. Ảnh: QUANG VIỆT

Ngư dân thờ ơ

Tại huyện Duy Xuyên, có 11 chủ tàu công suất lớn không mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ. Trong số đó, có nhiều tàu vỏ thép, vỏ composite được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 67. Ngư dân Lê Tuyến (xã Duy Hải) – chủ tàu vỏ thép QNa-92345 cho biết, không thể huy động đủ vốn nên không mua bảo hiểm. “Trước đây mua bảo hiểm thân tàu theo Nghị định 67, chúng tôi được hỗ trợ 90% chi phí. Khi Nghị định 17 thay thế Nghị định 67 thì mức hỗ trợ chỉ còn 50% là quá ít. Phương tiện của tôi có giá trị 15 tỷ đồng, mua bảo hiểm thì mỗi năm phải tốn 72 triệu đồng, trong khi đó sản xuất quá khó khăn, được ngày nào hay ngày đó nên tôi không thể mua” – ông Tuyến nói.

Nhiều chủ “tàu 67” ở xã Duy Vinh (Duy Xuyên) như Trần Đậu, Đỗ Văn Thành cũng đã không mua bảo hiểm cho các tàu vỏ thép sản xuất xa bờ. Các ngư dân này cho biết, mua bảo hiểm cho ngư lưới cụ tốn gần 30 triệu đồng mỗi năm mà không được Nhà nước hỗ trợ. “Chuyến biển được ít hơn chuyến biển thất bát, thua lỗ nên chúng tôi đâu có tiền mua bảo hiểm ngư lưới cụ. Trong khi đó, để được bảo hiểm, ngư lưới cụ phải hư hỏng hoàn toàn kèm với điều kiện tàu chìm, tàu cháy thì có mua cũng như… không” – ngư dân Trần Đậu nói. Tương tự, nhiều chủ “tàu 67” của các huyện Thăng Bình, Núi Thành đã không mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ mà chỉ mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Các ngư dân cho rằng, bảo hiểm tai nạn thuyền viên được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí nên mua 2 loại bảo hiểm còn lại có chi phí quá lớn nên… thôi.

Ông Huỳnh Bá Thanh – Phó Giám đốc Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam – đơn vị được UBND tỉnh phân công triển khai bán bảo hiểm cho ngư dân theo Nghị định 67 cho biết, từ năm 2018 đến nay có đến 261 tàu công suất lớn không mua bảo hiểm cho tàu cá, phần lớn trong số đó là các “tàu 67”. “Chúng tôi đã vận động thường xuyên, liên tục nhưng nhiều chủ tàu vẫn lơ là với bảo hiểm. Khi có sự cố xảy đến với “tàu 67”, chúng tôi khẩn trương có mặt, bồi thường theo đúng quy định nếu ngư dân mua bảo hiểm” – ông Thanh nói. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, bảo hiểm là “cái phao” để ngư dân có thể với lấy nếu không may tàu cá bị sự cố trên biển, qua đó, có thể đầu tư lại phương tiện, ngư lưới cụ để tái sản xuất. Nhiều chủ tàu không mua bảo hiểm là rất đáng lo bởi tai nạn trên biển có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Không cho ra khơi?

Bà Vũ Thị Tố Nga – Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam – ngân hàng thương mại cho 16 ngư dân vay 95% vốn để đóng tàu vỏ thép cho rằng, rất bức xúc với việc các chủ “tàu 67” không mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ trong quá trình sản xuất trên các vùng biển xa. Bà Nga nói: “Con “tàu 67” thuộc sở hữu của ngư dân nhưng họ chỉ bỏ ra 5% vốn để đóng tàu, 95% vốn còn lại do ngân hàng giải ngân. Nếu không may “tàu 67” gặp sự cố thì ngành ngân hàng chịu thiệt hại nặng nề. Lúc đó, các chủ tàu không được bảo hiểm bồi thường, không trả được nợ đã vay của ngân hàng”.

Theo bà Nga, chính sách hỗ trợ chủ “tàu 67” mua bảo hiểm của Nhà nước đã không phát huy hiệu quả thì Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh (nay là Nghị định 17) cần có giải pháp hiệu quả để ổn định tình hình. Bà Nga cho rằng, ngư dân sản xuất kém thì ngành thủy sản phải có giải pháp hỗ trợ họ sản xuất hiệu quả hơn qua dự báo ngư trường, nguồn lợi, chỉ đạo sản xuất. “Tại sao tàu vỏ gỗ đánh bắt hải sản đạt hiệu quả còn “tàu 67” hiện đại thì liên tục thua lỗ đến mức không đủ tiền mua bảo hiểm dù đã được hỗ trợ kinh phí? Phải có giải pháp gì đó chứ không thể kéo dài tình trạng này được” – bà Nga nói thêm.

Ông Ngô Tấn cho rằng, Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ được triển khai với nội dung quan trọng là ưu đãi lãi suất vốn vay, giúp ngư dân tiếp cận đóng tàu công suất lớn vươn khơi sản xuất xa bờ đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Nếu áp dụng biện pháp cấm biển khi ngư dân không mua bảo hiểm thì đi ngược lại chính sách. Vậy nên, biện pháp trước mắt và lâu dài vẫn là động viên ngư dân mua bảo hiểm trước khi ra khơi. “Các cơ quan chức năng của tỉnh đang xem xét việc không cho chủ tàu xuất bến nếu không có bảo hiểm cho tàu cá. Không ai muốn phải áp dụng giải pháp được xem là cuối cùng này” – ông Ngô Tấn nói.

Việt Nguyễn

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!