Là tỉnh có tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản, hiện nay toàn tỉnh có 18.837 ha; trong đó, nước ngọt 13.440 ha; nước mặn, lợ 5.397 ha. Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất thủy sản phát triển, thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người nuôi thủy sản.
Thức ăn quyết định trực tiếp tới chất lượng sản phẩm thủy sản.
Nhờ vậy, sản lượng nuôi thủy sản ngày càng tăng. Năm 2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản là 53.547 tấn, đạt 99,7% kế hoạch, tăng 6,9% cùng kỳ. Ngoài phương thức nuôi quảng canh, người dân ngày càng chú trọng nuôi theo hướng thâm canh, bán thâm canh, nuôi lồng bè, nuôi bể với các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: Tôm thẻ chân trắng, cá rô phi,… do vậy, sản lượng tiêu thụ thức ăn công nghiệp và số cơ sở kinh doanh thức ăn trong nuôi thủy sản ngày càng tăng. Tuy nhiên, người nuôi trồng thủy sản đang lệ thuộc vào nguồn thức ăn từ các đại lý và các cơ sở kinh doanh, trong khi khả năng kiểm soát chất lượng và giá cả thức ăn chăn nuôi nói chung còn nhiều bất cập. Gia đình ông Trần Văn Lợi, thôn Tân, xã Quảng Nham (Quảng Xương) đã có nhiều năm nuôi tôm thẻ chân trắng.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, ông Lợi cho biết: “Thức ăn có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thủy sản. Thức ăn có chất lượng tốt, bảo đảm, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện sức khỏe con nuôi và tạo được sản phẩm nuôi trồng có giá trị kinh tế cao. Trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn thường chiếm 40 đến 70% chi phí sản xuất”. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn thức ăn thường được mua qua các đại lý, hay những địa chỉ “người quen” chứ không mua trực tiếp ở nơi sản xuất. Điều đó dễ dẫn tới tình trạng mua phải thức ăn kém chất lượng.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 23 cơ sở kinh doanh thức ăn nuôi trồng thủy sản, tập trung ở nhiều địa phương có diện tích nuôi trồng theo hướng thâm canh, bán thâm canh, như các huyện: Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc… Để tăng cường quản lý chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản, từ ngày 25-9-2018 đến ngày 28-9-2018, Đoàn Thanh tra liên ngành phối hợp cùng Phòng Nuôi trồng thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, tiến hành lấy mẫu phân tích chất lượng thức ăn.
Các cơ sở kinh doanh thức ăn đều xuất trình đầy đủ hồ sơ sản xuất, kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đăng ký vào danh mục thức ăn chăn nuôi dùng trong nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định của pháp luật… Thức ăn thủy sản nhập khẩu cũng được kiểm tra chất lượng, phải có phiếu kiểm nghiệm đạt các chỉ tiêu theo quy định và dựa trên phiếu kiểm nghiệm này, Tổng cục Thủy sản mới cấp xác nhận đạt chất lượng và cho phép đưa vào kinh doanh, sử dụng.
Tuy nhiên, còn một số hộ kinh doanh chưa cập nhật và niêm yết công khai giá bán; kho bảo quản thức ăn chưa đạt chuẩn; phương pháp, cách thức bảo quản thức ăn chưa tuân thủ theo hướng dẫn và đảm bảo các yêu cầu theo quy định… điều này sẽ làm suy giảm chất lượng thức ăn, từ đó ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi cũng như sinh trưởng phát triển của thủy sản. Ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Trong những năm tới, với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình chăn nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh, sản lượng tiêu thụ thức ăn thủy sản và số hộ kinh doanh thức ăn thủy sản dự kiến sẽ tăng nhanh.
Chất lượng thức ăn và cách thức sử dụng sẽ quyết định đến hiệu quả, giá trị kinh tế cho người nuôi. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan quản lý, người nuôi thủy sản cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết nhất định trong việc lựa chọn và sử dụng thức ăn cho các đối tượng nuôi. Chỉ chọn mua thức ăn thủy sản các thương hiệu đã được khẳng định chất lượng và mua tại cơ sở, đại lý kinh doanh uy tín. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các đơn vị có liên quan. Đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm, giúp người nuôi trồng thủy sản tiếp cận được với những sản phẩm chất lượng, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong sản xuất…