Thanh Hóa: Nhộn nhịp mùa sứa biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Loài sứa biển chỉ xuất hiện nhiều từ sau Tết Nguyên đán đến hết mùa hè. Với nhiều vùng biển của Thanh Hóa, mùa khai thác sứa rộ nhất là vào tháng 4, tháng 5 hằng năm. Đây là thời điểm các ngư dân bận rộn nhất và cũng có thu nhập cao nhờ sứa biến.

Những ngày này, không khí lao động tại các vùng biển như nhộn nhịp hơn. Địa phương có hoạt động khai thác và chế biến sứa hiệu quả nhất hiện nay phải kể đến là huyện Hoằng Hóa.
10 giờ sáng, hàng chục bè luồng của ngư dân thôn Thành Xuân, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) đã cập bờ. Bè vừa gối bãi cũng là lúc những người vợ, người con của các chủ bè chạy ra xem thành quả của chuyến đi biển và giúp họ thu lưới, khênh sứa vào bờ. Hàng trăm con sứa như những chiếc chậu úp, được bà con rải khắp trên bờ cát, chờ người đến vận chuyển. Được biết, thôn Thành Xuân có hơn 100 chiếc bè luồng chuyên tham gia khai thác sứa. Vì có được lợi nhuận khá cao trong những năm trước, nên năm nay, nhiều hộ đã đầu tư sắm thêm nhiều bè khai thác sứa, thuê thêm lao động.
 
Nghề khai thác và chế biến sứa mang lại thu nhập khá cao cho nhiều lao động ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa)

Ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, cho biết: “Toàn xã có khoảng 500 tàu, bè với hơn 1.000 lao động chuyên khai thác sứa, thu nhập từ nghề khai thác sứa cao hơn nhiều so với nghề đánh cá. Phương tiện của ngư dân khai thác sứa chủ yếu là những bè, mảng được làm từ những cây luồng ghép lại, rồi lắp máy nổ là có thể ra khơi.
 
Theo truyền thống, việc khai thác bằng bè luồng chỉ diễn ra gần bờ (dưới 10 hải lý) nên ngư dân có thể khai thác được hai chuyến mỗi ngày. Sứa được các chủ hàng mua với giá trung bình 70.000 đồng/con. Nhiều con sứa to có giá cả trăm nghìn đồng. Một bè luồng với hai người khai thác “trúng”, có thể được từ 20 đến 30 con/buổi. Trừ chi phí, mỗi lao động khai thác sứa có thu nhập từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng/ngày. Những năm trước, vào những ngày khai thác sứa rộ, nhiều bè có thể khai thác hơn 100 đầu sứa mỗi ngày. Trong xã, nhiều gia đình đã trở nên giàu có nhờ khai thác sứa, bởi họ có kinh nghiệm, lại bỏ tiền ra đầu tư lưới đánh sứa hiện đại. Điển hình như gia đình các ông Lê Văn Lực, Trương Đình Thu (thôn Liên Minh), mỗi ngày thu nhập hàng triệu đồng từ khai thác sứa. Do đó, đến mùa sứa, nhiều tàu cá loại trên 90CV cũng chuyển sang khai thác sứa. Vụ sứa năm 2011, các tàu cá ở xã Hoằng Trường có thu nhập cao từ việc khai thác sứa tại các vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh), Cô Tô (Hải Phòng)… Sứa khai thác được, các tàu trên bán cho các thương nhân địa phương và cả người Trung Quốc thu mua. Nhiều tàu lớn đi 2 tháng mới về một lần, có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của các ngư dân, trong ít tuần nữa thì sứa sẽ xuất hiện nhiều tại vùng biển Thanh Hóa. Chắc chắn không khí đánh bắt và chế biến sứa sẽ càng nhộn nhịp hơn. Được biết, xã Hoằng Trường hiện có 11 cơ sở chế biến hải sản được đầu tư quy mô lớn, còn 20 cơ sở chế biến khác có quy mô nhỏ hơn. Việc sơ chế sứa được bà con làm rất đơn giản. Sứa tươi được làm sạch nhớt, thái từng mảnh rồi đem ngâm với phèn và nước muối, qua vài ngày, miếng sứa sẽ săn chắc và cứng lại. Sau mỗi vụ sứa, một cơ sở chế biến sứa thu lãi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Các chủ cơ sở chế biến sứa đã trở thành điển hình làm giàu của xã như gia đình anh Nguyễn Văn Sen, chị Nguyễn Thị Dung, anh Lê Văn Trung… Sứa đã qua sơ chế được các thương lái từ các tỉnh ngoài, hay ở Trung Quốc đưa xe tải và xe chuyên dụng vào tận xã để thu mua. Cứ mỗi mùa sứa, nhiều lao động của các xã ven biển trong tỉnh (nhất là lao động trên bờ) có thêm việc làm và thu nhập.
Trong cái mặn mòi của gió biển và cái nắng đầu hè, những giọt mồ hôi vất vả lại chính là niềm vui của những người khai thác và chế biến sứa tại các vùng biển. Vài năm gần đây, món sứa nộm luôn có trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khách sạn và ngày càng được các thực khách ưa chuộng. Đó là tín hiệu vui về thị trường bền vững cho con sứa mà người dân các vùng biển có quyền hy vọng.
 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!