T6, 05/01/2024 07:56

Thừa Thiên – Huế: Khai thác thủy sản hoàn thành kế hoạch

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2023, ngành khai thác thủy sản của Thừa Thiên – Huế đã hoàn thành kế hoạch với sản lượng hơn 41 nghìn tấn. Kết quả trên đạt được nhờ sự nỗ lực chung của toàn ngành với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực.

Đẩy mạnh khai thác xa bờ 

Thừa Thiên – Huế có bờ biển dài 128 km, tổng diện tích vùng biển khoảng 20.000 km2, có 5 cửa biển là Thuận An, Tư Hiền, Kiểng, Bình An và Lăng Cô là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác thủy sản. Vùng đầm phá Tam Giang là một đặc trưng của tỉnh, có tiềm năng to lớn về hải sản, hơn 500 loài cá trong đó 30 – 40 loài có giá trị kinh tế cao, năng suất khai thác bình quân gần 40.000 tấn/năm. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân Thừa Thiên – Huế hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam. Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động, trong đó lao động khai thác hải sản xa bờ khoảng 5.000 người.

Sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 42 nghìn tấn trong năm 2023. Ảnh: ST

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, khai thác thủy sản vẫn mang lại kết quả đáng ghi nhận, với tổng sản lượng hơn 41 nghìn tấn. Nhiều tàu đầu tư trang, thiết bị, ngư cụ hiện đại như lưới, câu, máy dò cá… ở vùng biển xa. Để có được thành quả trong hoạt động khai thác biển, ngành thủy sản đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực. Trong năm qua, ngành thủy sản cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 35 tàu thuyền, tạo điều kiện khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định của pháp luật, trong đó cấp mới 30 giấy phép và cấp lại 5 giấy phép. Có 333 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức thẩm định đánh giá định kỳ 26 tàu cá.

Tổng số tàu cá đã đăng ký hoạt động hiện đưa vào sử dụng 676 chiếc, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên là 433 chiếc. Năm 2023, có 392 tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên vùng biển xa và khoảng 1.439 chuyến khai thác vùng biển xa. Hoạt động khai thác trên vùng biển xa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần củng cố an ninh quốc phòng toàn dân ở vùng biển Hoàng Sa.

Hầu hết tàu cá của Thừa Thiên – Huế đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đúng quy định pháp luật. Ảnh: ST

Nỗ lực chống IUU

Trong năm qua, các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được triển khai đồng bộ, quyết liệt theo kế hoạch, hành động của Trung ương và địa phương. Kết quả cho thấy, địa phương không có vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hầu hết tàu cá đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đúng quy định pháp luật. 

Cơ quan chức năng thực hiện 19 cuộc kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch. Theo đó, phát hiện, xử lý 11 cá nhân vi phạm trong lĩnh vực thủy sản và đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Tổng số tiền vi phạm đã được nộp vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước 55,4 triệu đồng. Riêng quý III/2023, có 4 tàu cá vi phạm, tổng số tiền xử phạt gần 29 triệu đồng. Thanh tra Sở NN&PTNT xử phạt 2 cá nhân vi phạm, đã nộp Kho bạc Nhà nước tổng số tiền 26,5 triệu đồng.

Tổ chức kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng, trong đó có 1.292/2.082 tàu cá cập cảng (đạt 62,02%) và 1.298/1.921 tàu cá rời cảng (đạt 67,57%). Việc kiểm tra tàu cá cập và rời cảng được thanh tra, kiểm ngư tiếp tục thực hiện theo kế hoạch nhằm tăng cường việc thực thi pháp luật về thủy sản, nhất là công tác phòng, chống khai thác thủy sản IUU.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác vẫn còn nhiều khó khăn. Điển hình như trình độ, hiểu biết của chủ tàu, thuyền trưởng có hạn chế nên việc ghi nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác chưa đạt yêu cầu (ghi không đầy đủ, thông tin sai). Ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản xa bờ đang còn chậm. Việc kiểm soát các nghề khai thác nhạy cảm như tàu giã cào đang còn bất cập, chưa kiểm soát chặt chẽ vùng hoạt động hợp pháp, trong lúc các tàu đều có xu hướng xâm hại vùng bờ.

Công tác thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm của chủ tàu cá hoạt động trên biển còn bất cập. Điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Khai thác hủy diệt, khai thác quá mức vẫn còn và đang diễn ra gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản vùng đầm phá và ven bờ biển. 

>> Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu sản lượng khai thác thủy, hải sản đạt 42 nghìn tấn. Để đạt kế hoạch đề ra, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức triển khai tốt chính sách hỗ trợ biển xa để khuyến khích ngư dân đầu tư sản xuất tàu xa bờ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển xa. Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU.

Nguyễn An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!