(TSVN) – Việt Nam có trên 1.200 hồ chứa có hoạt động nuôi trồng thủy sản, với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, với tổng số hơn 7.000 hồ chứa trên cả nước hiện nay thì số lượng này còn khiêm tốn. Ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục tìm giải pháp để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh này tại nhiều địa phương.
Chiều 27/10/2023, tại thành phố Hòa Bình, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Công Sứ đồng chủ trì.
Nuôi cá lồng ở hồ Hòa Bình. Ảnh: VNN
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa có vai trò quan trọng đối với kinh tế – xã hội của địa phương, đồng thời là thành tố quan trọng để góp phần xóa đói giảm nghèo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, đảm bảo an ninh dinh dưỡng, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào miền núi. Ngoài ra việc nâng cao sản lượng cá nuôi trong nuôi trồng thủy sản hồ chứa và tăng hiệu quả sử dụng của các vùng nước tự nhiên còn mang lại lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động khác như du lịch, tạo sinh kế… Tuy nhiên, hiện nghề nuôi cá trên hồ chứa đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là giá cả do ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới. Để phát triển bền vững nghề nuôi này cần phải tìm giải pháp cốt lõi.
Hội nghị Phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa thu hút rất đông đại biểu đại diện các ban, ngành từ trung ương và địa phương cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã. Ảnh: Thu Hồng
Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Thế Anh, Phó trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, cả nước hiện có 6.695 hồ chứa thủy lợi do Bộ NN&PTNT quản lý với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3 và khoảng 500 hồ thủy điện với 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt do Bộ Công thương quản lý với tổng dung tích khoảng 60 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước. Trong đó, khoảng 1.250 hồ chứa có hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ.
Nghề nuôi cá hồ chứa được phát triển từ việc nuôi các loài cá truyền thống, đến nay phát triển một số đối tượng có giá trị kinh tế cao. Đối tượng nuôi phổ biến là các loại cá như: nheo Mỹ, chiên, lăng, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai, chép…
Theo báo cáo của 23 tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa, tổng cộng có 29.017 lồng nuôi cá trên sông, hồ chứa. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hồ chứa 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 36.419 tấn, đạt 102% so với cùng kỳ và 100% kế hoạch đề ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh “cần phải tìm giải pháp cốt lõi để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa”. Ảnh: Thu Hồng.
Nuôi cá lồng bè trên hồ chứa đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân sống ven hồ; Đã đưa được nhiều giống loài đặc hữu, bản địa, loài có giá trị kinh tế vào nuôi, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi để cung cấp cho thị trường tiêu thụ; Công nghệ nuôi đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, bảo vệ môi trường. Nhiều cơ sở nuôi sử dụng các loại vật liệu mới, thân thiện môi trường, độ bền cao.
Cùng đó, hình thành được các tổ hợp tác, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều địa phương đã thực hiện được việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất để nâng cao giá trị…
Việc nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa hiện còn nhiều hạn chế. Ảnh: ST
Báo cáo của Cục Thủy sản cho thấy, mặc dù có những thành tựu, thế nhưng việc nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa hiện còn nhiều hạn chế. Điển hình nhất là việc nuôi còn mang tính tự phát, chưa tạo được vùng nuôi an toàn. Cùng đó, hầu hết các hồ chứa hiện chưa được cấp quyền sử dụng đất, sử dụng mặt nước gây khó khăn trong trong việc cấp phép; Các hồ chứa có diện tích mặt nước rộng, nhiều nhánh suối đổ về hồ nên việc quản lý, bảo vệ, thu hoạch thủy sản nuôi cũng gặp khó khăn, nên đa phần người dân áp dụng mô hình nuôi quảng canh cho năng suất và chất lượng còn thấp.
Chưa kể, việc kiểm soát mối nguy về bệnh dịch, về môi trường và an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn do hạ tầng chưa được đầu tư. Hầu hết hồ chứa chưa có hệ thống điện phục vụ cho nuôi cá thâm canh và bán thâm canh. Hệ thống lồng bè còn thô sơ, vật liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Hậu cần dịch vụ kém; con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ còn hạn chế. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, vẫn chủ yếu tiêu thụ nội địa…
Tiềm năng nuôi cá tại hồ Hòa Bình còn rất lớn. Ảnh: VNN
Để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè, đại diện Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngành cần rà soát lại các vùng nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa đảm bảo không chồng lấn, mâu thuẫn với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và du lịch khác. Giải tỏa, sắp xếp lại lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng số lượng quy hoạch, không để tự phát thả nuôi vượt quá quy định, vượt quá sức tải, ảnh hưởng đến môi trường.
Mặt khác, tổ chức lại sản xuất theo hướng đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, khuyến khích các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất nguyên liệu với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng… theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái, hướng tới các tiêu chuẩn nuôi cá có trách nhiệm và tăng giá trị, lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các cơ sở nuôi cá lồng bè…
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng dịch tễ (Cục Thú y) lưu ý: Hiện nay, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, mưa bão, lũ lụt… làm môi trường thay đổi theo hướng tiêu cực và tác động xấu đến sức khỏe thủy sản nuôi, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và gây dịch bệnh. Do vậy, người nuôi cần áp dụng các biện pháp chủ động để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là lựa chọn con giống, kiểm soát chất lượng nguồn nước môi trường nuôi, tăng cường chế độ dinh dưỡng và áp dụng quy trình quản lý đàn thủy sản nuôi phù hợp theo các hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản… Các doanh nghiệp tăng cường sử dụng các nguồn lực của đơn vị để triển khai giám sát chủ động dịch bệnh; tổ chức quan trắc và cảnh báo môi trường trước khi thả nuôi và trong toàn bộ mùa vụ, tập trung vào các vùng nuôi trọng điểm để chủ động xử lý khi dịch bệnh xảy ra hoặc khi thời tiết có diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của thủy sản nuôi; Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó, tạo môi trường thuận lợi cho thủy sản phát triển, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi…
Còn đại diện Công ty cá sạch Hải Đăng “mong muốn nhận được sự quan tâm triển khai các dự án phát triển nông nghiệp cho doanh nghiệp, hợp tác xã như: Ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục mở rộng xây dựng đạt tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, tham gia xúc tiến thương mại mở rộng thị trường”.
Theo báo cáo của 23 tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa, hiện tổng cộng có 29.017 lồng nuôi cá trên sông, hồ chứa. Sản lượng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 36.419 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 100% kế hoạch đề ra.
Đối tượng nuôi phổ biến là các loại cá như: Nheo Mỹ, chiên, cá lăng, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai, chép... Đối tượng nuôi sẽ thay đổi tùy theo các vùng sinh thái (Khu vực phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam bộ).
Phan Thảo