(TSVN) – Trung Quốc đang nỗ lực vươn khơi nuôi biển và coi đó là giải pháp nuôi trồng thủy sản bền vững cho tương lai. Tuy nhiên, những tác động môi trường của các trại cá ngoài khơi đang khiến nhiều nhà khoa học lo ngại.
Nằm trên vùng biển Hoàng Hải, cách bờ hơn 100 hải lý là một trại nuôi cá khổng lồ Deep Blue 1 có kết cấu thép hình bát giác, cơ sở nuôi cá hồi ngoài khơi đầu tiên của Trung Quốc.
Ở các góc hình bát giác là các cột thép dài 30m chạy thẳng xuống mặt nước và được bao xung quanh bởi lớp lưới đen chắc chắn, tạo thành một chiếc lồng khổng lồ có thể tích 50.000 m2 với sức chứa 300.000 con cá hồi và sản lượng dự kiến 1.500 tấn cá hồi mỗi năm. Deep Blue 1 là một thử nghiệm Trung Quốc, trước khi nước này “hiện thực hóa” tham vọng bá chủ ngành nuôi biển ngoài khơi
Bản vẽ mô hình lồng nuôi cá hồi Deep Blue 1 với sức chứa 300.000 con. Ảnh: Ricardo Lalinde
Một mô hình khác, Guoxin 1 với công suất 3.700 tấn cá mỗi năm lại là một thiết kế đặc biệt dạng tàu nuôi cá ngoài khơi. Đây là mô hình tàu nuôi cá thông minh đầu tiên trên thế giới, có thể di chuyển linh hoạt giữa biển Hoàng Hải và biển Nam Trung Quốc để tránh bão, tảo độc nở hoa, đồng thời duy trì nhiệt độ nước 22-26°C phù hợp cho sự phát triển của cá. Chiếc tàu cá lai nhà máy này có 15 bể với tổng thể tích gần 90.000 m³ cùng mật độ nuôi gấp 4 – 6 lần lồng lưới truyền thống. Sau khi thử nghiệm thành công Guoxin 1, các phiên bản nâng cấp Guoxin 2 và Guoxin 3 sẽ được bàn giao vào tháng 3/2024.
Giám sát cho cá ăn tại Deep Blue 1 qua màn hình. Ảnh: Alamy
Trung Quốc đang nỗ lực đa dạng hóa mô hình nuôi biển xa bờ. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc, các tỉnh ven biển đã đưa vào sử dụng hơn 20.000 “lồng cá trọng lực”, mỗi lồng gồm lưới và khung tròn nổi; 40 lồng khung thép như Deep Blue 1 và 4 tàu nuôi cá thông minh. Tổng quy mô nuôi biển xa bờ của Trung Quốc hần 44 triệu m³ nước, sản lượng gần 400.000 tấn, chiếm 20% sản lượng nuôi biển của cả nước. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng quy mô nuôi biển bờ thêm 16 triệu m³ trong 5 năm tới, lên hơn 60 triệu m³ và đạt sản lượng trên 600.000 tấn, chiếm tỷ trọng hơn 25% trong tổng sản lượng nuôi biển.
Hoạt động nuôi biển xa bờ thường có quy mô lớn để giảm chi phí cung cấp thức ăn, năng lượng và vận chuyển sản phẩm. Tăng năng lực sản xuất và tập trung hóa hoạt động cũng cần thiết để giảm chi phí. Trung Quốc chú trọng 5 loài cá lớn làm đối tượng chính để nuôi ngoài khơi gồm cá đù vàng lớn, cá chim vàng, cá mú, cá vược và cá bơn. Ngoài ra, cá giò, cá tráp và cá cam Nhật Bản cũng được xem là đối tượng nuôi tiềm năng.
Cá hồi nuôi tại Deep Blue 1 đạt tiêu chuẩn châu Âu, chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Alamy
Lin Ming, thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) giải thích rằng, thể tích lồng nuôi biển càng lớn, thì chi phí vận hành càng thấp và hiệu quả chi phí càng cao. Không gian rộng rãi, sức chứa lớn giúp cá phát triển tốt và đạt năng suất cao hơn.
Hiện Trung Quốc vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nuôi cá xa bờ nên rất khó đánh giá phản ứng của thị trường. Đến nay, lượng cá được thu hoạch và đưa ra thị trường khá hạn chế. Tuy nhiên, theo các cửa hàng kinh doanh, sản lượng cá biển nuôi xa bờ ổn định hơn so với cá đánh bắt tự nhên. Ngoài ra, cá nuôi xa bờ đạt chất lượng tốt hơn cá nuôi ven bờ do chất lượng nước khác biệt rõ ràng.
Các loại cá nuôi xa bờ của Trung Quốc có giá cao hơn so với mức trung bình trên thị trường. Ví dụ, cá hồi nuôi ngoài khơi của Trung Quốc thường đắt hơn cá hồi nhập khẩu, nhưng cũng tươi ngon hơn. Theo Zhao Xiaoxia, kỹ sư trên tàu nuôi cá Guoxin 1, cho biết cá đù vàng cỡ đại nuôi trên tàu có giá bán gấp đôi cá đù nuôi ven bờ. Chất lượng không thua kém cá tự nhiên chính là một lợi thế của các sản phẩm cá biển nuôi ngoài khơi.
Phụ thuộc quá mức vào ngành nuôi thủy sản gần bờ cũng kéo theo nhiều vấn đề. Trung Quốc là nước sản xuất và chế biến thủy sản lớn nhất thế giới với các trại nuôi cá trải dọc đường bờ biển. Nhiều trại nuôi cá truyền thống đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đe dọa hệ sinh thái gần bờ. Những trại này trực tiếp xả thải ra môi trường, sử dụng thuốc không kiểm soát, đặc biệt là kháng sinh, gia tăng nguy cơ suy thoái rừng ngập mặn ven biển và thủy triều đỏ.
Rất may, hệ sinh thái ven bờ cũng dần được hồi sinh nhờ các cuộc chuyển đổi xanh trong nuôi thủy sản những năm gần đây. Năm 2016, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương khoanh vùng khu vực cấm, hạn chế hoặc cấp phép nuôi trồng thủy sản theo quy định pháp luật. Chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ 300.000 lồng lưới ven bờ và xóa sổ 160.000 ha trại nuôi cá sai quy định chỉ trong năm 2018. Tỉnh Quảng Đông, vựa nuôi thủy sản của Trung Quốc, cũng cam kết hạn chế nuôi ven bờ và chuyển sang phát triển mô hình nuôi xa bờ thân thiện môi trường bằng cách chấm dứt mọi hoạt động nuôi cá ở vùng nước nông dưới 10m.
Hu Zhenyu, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững và Kinh tế biển cho rằng các mô hình nuôi biển xa bờ thải nhiều carbon, tiêu hao nhiều năng lượng và tốn kém chi phí. Ví dụ, tàu Gouxin 1 hút nước từ độ sâu hàng chục mét suốt ngày đêm để đảm bảo nước trong bể được thay 16 lần/ngày. Do đó, tàu nuôi cá này tốn kém diesel, đồng thời tạo ra nhiều khí thải, tiếng ồn và các ô nhiễm khác.
Deep Blue 1 còn gây tranh cãi hơn về những tác động lên hệ sinh thái. Nhiệt độ nước biển ở Hoàng Hải thấp hơn các khu vực xung quanh, nên nơi đây trở thành môi trường lý tưởng để nuôi cá nước lạnh giá trị cao như cá hồi. Tuy nhiên, các nhà sinh thái học lo ngại ý tưởng tận dụng khối nước lạnh ở Hoàng Hải để nuôi cá hồi mà bỏ qua thiết lập chính sách khu bảo tồn biển sẽ kéo theo nhiều rủi ro cho hệ sinh thái tự nhiên.
Deep Blue 1 đang nuôi cá hồi Đại Tây Dương nguồn gốc Na Uy, loài cá nước lạnh phù hợp với nhiệt độ nước 13-15 °C. Nhà sinh thái học cho rằng, sự di chuyển của đàn cá bên trong lồng biển sẽ xáo trộn các tầng nước và tăng nhiệt độ nước quá mức được xem là lý tưởng với cá hồi. Ngoài ra, dòng chảy ổn định của nước ở Hoàng Hải không giúp phân tán các chất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, Deep Blue 1 vẫn đang là mô hình mà Trung Quốc đang thử nghiệm và hoàn thiện. Những nỗ lực theo đuổi mô hình nuôi cá xa bờ thân thiện môi trường và mang lại lợi ích kinh tế xã hội cho thấy Trung Quốc sẽ không chấp nhận đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng sản lượng.
Dũng Nguyên
(Theo WorldFishFarming)