Xuất khẩu cá tra vẫn triển vọng

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù giá cá nguyên liệu trong nước giảm mạnh, sản xuất không thuận lợi, thế nhưng việc xuất khẩu cá tra vẫn tiến triển khả quan. Sức mua tại hầu hết các thị trường vẫn tăng trưởng đều đặn.


Quý I/2019, diện tích nuôi thả cá tra cả nước ước đạt 3.148 ha

Sản lượng cá nuôi tăng

Theo Bộ NN&PTNT, giá cá tra nguyên liệu trong 2 tháng đầu năm ổn định và duy trì ở mức khá cao 28.500 – 30.000 đồng/kg, tuy nhiên, sang tháng 3, mức giá này sụt giảm còn 24.000 – 25.000 đồng/kg với cá loại 1 (800 – 900 g/con), giảm khoảng 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu chưa có nhiều thuận lợi, nhất là tại 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc; các doanh nghiệp vẫn hạn chế thu mua cá tra nguyên liệu.

Trong quý I/2019, diện tích nuôi thả cá tra cả nước ước đạt 3.148 ha, tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2018. Đồng Tháp là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất cả nước (chiếm trên 40% tổng diện tích cả nước); với 1.377 ha, tăng 2,5% so cùng kỳ năm ngoái. Diện tích nuôi cá tra tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm tại một số tỉnh trọng điểm khác, do diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh được mở rộng, cụ thể: TP Cần Thơ ước 511 ha (tăng 16,7%), Bến Tre 390 ha (tăng 85,7%); An Giang 284 ha (tăng 8,8%); trong khi, tại Vĩnh Long, diện tích cá tra 3 tháng đầu năm đạt 453 ha, giảm 2 ha so cùng kỳ năm 2018. Sản lượng cá tra cả nước 3 tháng đầu năm ước đạt 273.178 tấn, tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước. Do diện tích thả nuôi mở rộng từ cuối năm 2018 đến nay đã cho thu hoạch, sản lượng cá tra tăng mạnh ở hầu hết các tỉnh, nhất là tại những địa phương nuôi cá tra trọng điểm như Đồng Tháp ước 80.298 tấn, tăng 2,4%; An Giang 81.583 tấn, tăng 11,3%; Cần Thơ 36,440 tấn, tăng 13,1%; Bến Tre 43.200 tấn, tăng 21,7%.

Thị trường khá khởi sắc

Tính đến hết tháng 2/2019, xuất khẩu cá tra đạt 309,75 triệu USD, tăng 17% so cùng kỳ năm 2018; với giá trị này, xuất khẩu cá tra đạt gần bằng giá trị xuất khẩu sản phẩm tôm trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu. Trong top các thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 2 tháng đầu năm nay, Brazil và Colombia tiếp tục giảm chưa có dấu hiệu hồi phục, các thị trường lớn dẫn đầu đều đạt mức tăng trưởng khả quan so cùng kỳ năm ngoái.

Hai tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt 59,8 triệu USD, chiếm 19,3% tổng xuất khẩu cá tra, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại nhiều so 3 năm liên tiếp trước nhưng với giá trị này, Trung Quốc – Hồng Kông tạm thời là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam trong thời gian này.

Trong tháng 2/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đột ngột giảm 22,8%; lũy kế 2 tháng đầu năm ở mức 52,9 triệu USD, chiếm 17,1% và tăng 25,7% so cùng kỳ. Trong thời gian này, Mỹ xuống vị trí thứ 2 trong top thị trường nhập khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam.

Với EU, xuất khẩu cá tra 2 tháng qua tương đối thuận lợi, nhất là tại các thị trường như Anh, Hà Lan, Đức và Bỉ có sự tăng trưởng tốt, lần lượt: 66%; 21,7%; 102,5% và 123,3%; giá trị xuất khẩu cá tra sang cả khối thị trường này đạt 43,5 triệu USD, tăng 56%. Trong quý I/2019, giá cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh ở mức cao ở EU. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là fillet đông lạnh với giá xuất trung bình 1,18 – 5,3 USD/kg.

Hai thị trường lớn tiếp theo là ASEAN và Mexico trong 2 tháng đầu năm có giá trị xuất khẩu tăng trưởng giữ vững mức hai con số; lần lượt đạt 32,9 triệu USD, tăng 10,3% và 25 triệu USD, tăng 42% so cùng kỳ năm trước.

>> Tại thị trường Anh, ngoài fillet, doanh nghiệp cũng xuất khẩu một số sản phẩm cá tra khác như: cá tra cắt portion đông lạnh, cá tra cắt miếng đông lạnh, cá tra cắt khúc/khoanh đông lạnh và cá tra nguyên con bỏ đầu, bỏ đuôi, bỏ nội tạng sang thị trường Anh. Giá cá tra cắt khúc/khoanh đông lạnh trung bình sang thị trường này lên tới 4,3 – 4,7 USD/kg.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!