Xuất khẩu tôm đã thực rộng đường?

Chưa có đánh giá về bài viết

Tháng 1/2013, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 149 triệu USD, tăng 25,3% so cùng kỳ năm 2012. Các thị trường nhập khẩu chủ lực đều tăng trưởng cao. Tuy nhiên, sự gia tăng này chưa mang tính bền vững.

Tăng do nhu cầu

Tháng 1/2013, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 487 triệu USD, tăng 34%; trong đó, tôm tăng 25,3 triệu USD ở hầu hết các thị trường trọng điểm: Mỹ gần 37%, Trung Quốc 93,6%, EU 33,8%. Đặc biệt, sau nhiều tháng liên tục giảm trong năm 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật tháng 1/2013 đạt trên 32,8 triệu USD, tăng 0,7% so cùng kỳ năm 2012. Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 56,3 triệu USD, tôm sú 76,5 triệu USD, tôm biển 16,1 triệu USD.

Ảnh: Duy Khương

Theo Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe, tháng 1/2013 xuất khẩu thủy sản tăng là do nhu cầu một số thị trường nhập khẩu hồi phục. Ông Hòe cũng cho biết, tháng 2/2013 xuất khẩu tôm giảm 31%, chỉ đạt 96 triệu USD, do thời gian nghỉ Tết kéo dài, số ngày hoạt động của các công ty chế biến và xuất khẩu giảm; nhưng nhìn chung doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp thuận lợi về nhu cầu nhập khẩu.

 

Liệu có bền vững?

Xuất khẩu tôm gia tăng nhưng ngành tôm vẫn khó khăn về vốn, nguồn nguyên liệu, rào cản kỹ thuật, dịch bệnh. Dự báo, tháng 3/2013, xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối diện những rào cản đó khi chưa tìm được giải pháp mang tính triệt để. Vấn đề rào cản kỹ thuật, việc xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn đang vướng Ethoxyquin. Từ năm 2006 tới 2011, thị trường tôm tăng trưởng liên tục; cho đến năm 2012, giá trị xuất khẩu vào Nhật giảm 6,6%. Xuất khẩu tôm nói chung tăng trưởng trong tháng 1/2013 nhưng sang Nhật giảm 28% giá trị so tháng 12/2012.

Giá trị xuất khẩu như tháng 1 có được duy trì hay không, việc này xem ra vẫn mong manh, khi tình trạng thiếu nguyên liệu, dịch bệnh trên tôm vẫn tiếp tục diễn ra. Để hạn chế dịch bệnh trên tôm hiện nay, Tổng cục Thủy sản đã khuyến cáo: người nuôi nên tẩy dọn ao nuôi triệt để trước khi thả, cần cho lắng, ao xử lý nước riêng biệt…, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao, diệt giáp xác. Nên thả tôm nuôi từ đầu tháng ba, chọn giống sạch bệnh, được kiểm dịch. Nhưng, vừa qua, tại vùng trọng điểm nuôi tôm như Cà Mau đã 116 ha/2.740 ha tôm thả nuôi bị thiệt hại; ở Trà Vinh đến nay đã có 67 triệu con tôm giống bị chết, khiến người nuôi vẫn hoang mang. Ngoài ra, do hạn mức tín dụng thấp nên nguồn vốn vay ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với tình hình sụt giảm nguồn cung thủy sản khai thác và nuôi trồng ở một số nước, các chuyên gia thủy sản dự báo nhu cầu thủy sản thế giới vẫn tăng, trong đó có tôm (ngoài thị trường chính là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, lượng tôm xuất khẩu sang  Singapore, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc có thể tăng vì tăng trưởng kinh tế khu vực này được dự báo ở mức ổn định). Do vậy, tôm xuất khẩu năm 2013 có thể đạt sản lượng khoảng 240.000 tấn, giá trị xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 6,5% so năm 2012.

>> Tại vùng nguyên liệu như Cà Mau, năm 2012, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải nhập 7.000 tấn tôm nguyên liệu, tính cả các khoản chi phí vận chuyển, thuế…, vẫn rẻ hơn tôm nguyên liệu trong nước 30.000 – 50.000 đồng/kg. Đây vẫn đang là bất cập ngành tôm phải đối diện.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!