4 tỉnh có diện tích, sản lượng tôm sú tăng mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong khi tôm thẻ chân trắng gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, giá cả, thị trường… thì tôm sú đã có sự trở lại bằng việc tăng diện tích và sản lượng ở nhiều tỉnh nuôi tôm ĐBSCL. 8 tháng, cả nước có 577.000 ha nuôi tôm sú, bằng 102,9% so năm 2014.

Long An

Mặc dù không phải là tỉnh nuôi tôm trọng điểm của ĐBSCL như Cà Mau, tuy nhiên 8 tháng đầu năm 2015, diện tích nuôi tôm sú của tỉnh Long An tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2014, tương đương 1.329 ha (bằng 183,3% so với năm 2014). Nhờ đó, sản lượng tôm sú của tỉnh tăng hơn gấp 3 lần so năm 2014, đạt 1.770 tấn (bằng 329,7% so cùng kỳ năm 2014). Đây là con số tăng ấn tượng nhất về diện tích và sản lượng trong các tỉnh ĐBSCL.

Thời gian qua, UBND tỉnh Long An đã có nhiều chính sách ưu đãi cho nông dân như chính sách hỗ trợ tiền xây dựng ao lắng, cải tạo lại ao, phát triển tổ hợp tác, liên kết…

 

Bến Tre

8 tháng, diện tích nuôi tôm sú của tỉnh Bến Tre đạt 29.570 ha (bằng 112,2% so cùng kỳ năm 2014), với sản lượng 8.570 tấn (bằng 137,3% so cùng kỳ năm 2014). UBND tỉnh Bến Tre, sở ban ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ổn định sản xuất, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân như: Xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm theo hướng sản xuất tập trung, hiệu quả và bền vững; Tập trung phân bổ vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kênh cấp, kênh thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô công nghiệp; Chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh…

 

Kiên Giang

Với diện tích tôm sú đạt 97.078 ha, bằng 110,4% so với năm 2014 và sản lượng 24.759 tấn, bằng 102,4% so cùng kỳ 2014 trong 8 tháng năm 2015, Kiên Giang là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng tôm sú đều tăng.

Năm nay, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng 56.000 tấn tôm nuôi, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thả giống và kiểm soát dịch bệnh trên đàn tôm. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo các vùng nuôi tôm trọng điểm. Với nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp vùng Hà Tiên, Kiên Lương, tứ giác Long Xuyên, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh thả nuôi, nâng tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp toàn tỉnh đạt 3.000 ha trong năm nay. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo đơn vị cải tạo, thi công nhanh một số công trình thủy lợi cấp thiết, thực hiện nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, tạo môi trường bền vững, giúp tôm lớn nhanh, phát triển tốt. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát lại diện tích đã thả giống gắn với cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

 

Bạc Liêu

Là một trong những tỉnh trọng điểm nuôi tôm sú, có diện tích lớn thứ hai (chỉ sau Cà Mau) của ĐBSCL. Sau một thời gian bùng phát nuôi TTCT, người nuôi tôm Bạc Liêu đã quay trở lại với tôm sú nhằm phù hợp với nguồn vốn và lợi nhuận hiện tại. Ngành chức năng cũng khuyến cáo nuôi với mật độ dày (25 – 30 con/m2) và nuôi với mật độ thưa (10 – 15 con/m2). Chính vì vậy mà diện tích nuôi tôm sú của tỉnh 8 tháng đầu năm của tỉnh đạt 118,921 ha, bằng 102,7% so với năm 2014, sản lượng đạt 38.632 tấn, tăng 111,6% so cùng kỳ 2014.   

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!