T2, 06/07/2020 11:19

Âu thuyền tránh trú bão chưa phát huy tác dụng

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nguồn vốn cho việc xây dựng và nâng cấp các âu thuyền tránh trú bão cho ngư dân; nhưng thực tế, ngư dân một số địa phương ven biển vẫn lo ngại, vì tàu thuyền thiếu âu thuyền để vào tránh trú bão hoặc do âu thuyền thiết kế chưa phù hợp, luồng lạch bị bồi lắng không thể phát huy hiệu quả.

Ngư dân lo lắng

Thị xã Cửa Lò được tỉnh Nghệ An cho lập dự án đầu tư cầu cảng và nơi neo đậu tàu thuyền cho ngư dân tại khối 6, phường Nghi Tân và một phần diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Nghi Quang. Dự án có tổng dự toán 13 tỷ đồng bao gồm hai hạng mục chính là nạo vét luồng lạch và làm cầu tàu neo đậu cho khoảng 500 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và gần bờ.

Ngư dân Nguyễn Văn Bình ở khối 1, phường Nghi Thủy cho hay: Ngày trước, khi chưa có cầu tàu nối từ cầu tàu số 1 và số 2 sang cầu số 3 và số 4, tàu thuyền đi về có thể theo lạch vào sâu phía trong để về Nghi Thủy, vừa nhập cá lại gần nhà nên rất thuận lợi. Từ ngày thêm cầu tàu, do thiết kế quá thấp nên tàu thuyền cỡ lớn của ngư dân không thể vào lạch được, cực chẳng đã phải neo đậu ở ngoài sông, chen lấn với bến bãi xuất nhập hàng của cảng. Hơn 40 tàu đánh cá xa bờ có công suất trên 90 CV của phường Nghi Thủy phải đầu tư 21 thuyền nhỏ để trung chuyển, tăng bo sản phẩm đánh bắt vào bến cá gần nhà và chở đá lạnh, nhu yếu phẩm phục vụ tàu thuyền đi biển. Đặc thù ngư dân ở đây đánh bắt trong ngày nên bình quân cứ 2 tàu cá thì phải có 2 lao động và 1 thuyền nhỏ túc trực để lo chuyên chở, khoản này không chỉ khiến người dân mất chi phí 120 – 150 triệu đồng mỗi năm mà còn mất thời gian vì chờ đợi, tàu đậu xa nhà quá sợ không an toàn. Vì thế, nguyện vọng của ngư dân Cửa Lò là nơi neo đậu tàu thuyền thuận lợi, tiếp tế hậu cần dễ dàng.

Mùa mưa bão đến cũng là lúc ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lo lắng vì tàu thuyền thiếu nơi neo trú bão an toàn. Trong khi đó, các khu neo đậu tàu thuyền được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhiều năm qua lại chưa phát huy hết công năng.

Ông Võ Thanh Khiêm – ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) chia sẻ: “Dù trên địa bàn đã có khu neo đậu tàu thuyền ở phía Nam Cửa Việt nhưng quy mô rất nhỏ nên không đáp ứng đủ nhu cầu của ngư dân. Năm nào tôi cũng phải cho tàu neo dưới chân cầu Gio Mai (Gio Linh) cách nhà 3 km, nhưng nơi đó cũng không an toàn vì nước sông chảy xiết, gió thổi mạnh làm tàu bị va đập, gây hư hỏng”.

Anh Khiêm cho biết thêm, mỗi mùa mưa bão về, dưới chân cầu Gio Mai chỉ neo đậu tối đa 7 tàu công suất 300 CV, còn những tàu cá khác phải nháo nhào tìm nơi neo đậu thuyền ở các nhánh sông, luồng lạch rất bất cập. Thậm chí, nhiều trường hợp các chủ tàu xảy ra cãi vã, va chạm chỉ vì tranh nhau chỗ neo đậu cho tàu thuyền khi bão về.

Nhiều khu neo đậu tàu thuyền chưa phát huy hết công năng – Ảnh: Huy Hùng

Trong khi đó, các khu neo đậu được phê duyệt xây dựng lại chưa được hoàn thành. Khu neo đậu tránh trú bão Triệu An được phê duyệt đầu tư từ năm 2009 với tổng vốn 82,6 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 34 ha. Theo thiết kế, khu neo đậu Triệu An có khả năng chứa 250 tàu công suất từ 90 CV trở lên nhưng đến nay, khu này mới chỉ hoàn thành một vài hạng mục.

 

Nâng cấp, cải thiện

Ngư dân Trần Văn Cảnh, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa nói: “Mình phải liệu mình tránh, tự ai nấy tự lo thân thôi. Ví dụ sóng bão về mà không có chỗ trú thì ghe lớn đè ghe nhỏ, cứ ủi ào vào trong bờ đây, còn thì còn, không còn thì thôi, chứ giờ bến bãi đâu có”.

Thuyền nhỏ neo đậu tránh bão đã khó, thuyền công suất lớn tìm được nơi tránh trú an toàn càng gian nan hơn, nhất là khi có áp thấp nhiệt đới hay gió bão mạnh. Tại huyện Đông Hòa, con lạch Phú Thọ 3, thuộc khu phố Phú Thọ 3, Thị trấn Hòa Hiệp Trung và bờ bắc sông Bàn Thạch đoạn dọc theo thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam là nơi neo đậu của hơn 600 tàu thuyền. Năm nay, số lượng tàu cá khu vực này tăng cao do ngư dân đóng mới nhiều tàu dịch vụ nghề cá gia tăng. Tuy nhiên, bến bãi chưa được mở rộng, trong khi đó khu vực gần cửa Đà Nông cũng đang triển khai xây dựng cảng cá Phú Lạc nên ngư dân phải chật vật tìm nơi cho tàu thuyền vào tránh trú.

Ông Trần Phú Sơn – Chủ tịch Thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho rằng, trong điều kiện thiếu nơi neo đậu tàu thuyền nên chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, tổ chức chằng chống, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão năm nay.

“Đối với các tàu thuyền nhỏ thì chúng tôi sẽ đưa các phương tiện máy móc, ngư cụ về nhà. Đối với các phương tiện lớn, chúng tôi cho chằng chống theo bè, liên kết với nhau tạo thành những mảng bè lớn và làm tốt việc chằng chống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cũng như con người. Tuy nhiên về lâu dài, các cấp ngành hữu quan cần có phương án đầu tư, thiết kế, bố trí âu thuyền tránh trú bão một cách khoa học, bài bản và hợp lý, đủ năng lực tiếp nhận các tàu thuyền vào tránh trú bão thuận lợi để ngư dân yên tâm bám biển”, ông Sơn cho hay.

–  Theo Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, miền Trung sẽ có 72 khu neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền, tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch 11.230 tỷ đồng.

–  UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng vừa phê duyệt dự án “Đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An” với tổng mức đầu tư hơn 178 tỷ đồng.

–  Tại Quảng Nam, ngoài việc nâng cấp âu thuyền Hồng Triều và An Hòa, UBND tỉnh này cũng đang đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền Cửa Đại để sớm đưa vào hoạt động trước mùa mưa bão năm nay.

–  Tại Bình Định, dự án âu thuyền Đề Gi cũng được tài trợ 47 tỷ đồng để mở rộng khu neo đậu trú bão, các dịch vụ nghề cá…

Đỗ Hương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!