Bảo tồn, phát triển cá chiên thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh Tuyên Quang vừa nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, xác định một số bệnh ở cá chiên nuôi trong lồng trên sông, hồ thủy điện và đề xuất các giải pháp phòng trị bệnh”. Đề tài do kỹ sư Nguyễn Quang Nghĩa, Trưởng phòng Kỹ thuật kinh doanh – Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư.


Ông Phạm Thanh Bình (bên trái), thôn Bình Thuận, xã Thái Hòa (Hàm Yên) bên lồng cá chiên của gia đình.

Đề tài được triển khai từ năm 2016 đến 2018, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 166 lồng nuôi cá chiên tại 30 hộ gia đình trên địa bàn các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang. Qua khảo sát, đã phát hiện nhiều trường hợp cá mắc các bệnh như: Động kinh, bệnh đốm lở loét, bệnh mụn mép… Kỹ sư Nguyễn Quang Nghĩa, Trưởng phòng Kỹ thuật kinh doanh, Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết, cá chiên có nhiều bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn, nếu không phát hiện kịp thời sẽ lây lan nhanh trong toàn lồng cá gây chết hàng loạt. Trong 4 huyện, thành phố được khảo sát thì tỷ lệ mắc bệnh ở cá chiên cao nhất là ở Hàm Yên và Chiêm Hóa. Đa số cá mắc các bệnh về nấm, mụn mép. Nguyên nhân là do người dân nuôi quá dày, địa điểm đặt các lồng cá chưa phù hợp. Từ đây, nhóm nghiên cứu xây dựng được 3 chuyên đề về các tác nhân gây bệnh cho cá chiên và các giải pháp phát hiện kịp thời xử lý các loại bệnh. Đặc biệt đã xây dựng được cuốn cẩm nang toàn diện về kỹ thuật chăn nuôi cá chiên thương phẩm.

Gia đình ông Phạm Thanh Bình, thôn Bình Thuận, xã Thái Hòa có 10 lồng nuôi cá chiên trên sông Lô. Ông nuôi cá chiên trên 10 năm, trước đây ông nuôi theo kinh nghiệm, nhiều khi cá chết hàng loạt hoặc rải rác mà không rõ nguyên nhân. Từ khi được chọn tham gia đề tài nghiên cứu một số bệnh trên cá chiên nuôi trong lồng trên sông, ông nắm vững thêm nhiều kiến thức, nhận biết nhiều loại bệnh, giúp việc nuôi cá hiệu quả hơn. 

Cá chiên có chất lượng thịt ngon, có giá bán cao trên thị trường từ 600.000 –  800.000 đồng/kg. Việc nghiên cứu đề tài thành công góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển cá chiên thương phẩm, đưa ra một phương pháp chăn nuôi toàn diện, tăng tỷ lệ sống cho cá trong lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi thủy sản. 

Bài, ảnh: Lê Duy

Theo Báo Tuyên Quang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!