Đồng Tháp: Nuôi cá lóc bông trong bè hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng mùa nước nổi, đóng bè gỗ đặt xuống lòng kênh thực hiện thành công mô hình nuôi cá lóc bông cho thu nhập cao.

Anh Nguyễn Văn Sáu cho cá bông nuôi trong bè ăn mồi

Xã Phú Thành B hiện có hàng chục hộ nuôi cá bông trong bè mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho gia đình lúc nông nhàn. Đây là địa phương có nhiều người nuôi bông theo mô hình này của huyên Tam Nông. Anh Nguyễn Văn Sáu ngụ ấp Phú Lâm, xã Phú Thành B đã có gần 10 năm sống bằng nghề nuôi cá lóc bông trong bè cho hiệu quả cao. Anh cho biết: “Cá lóc bông là loại ăn tạp, rất dễ nuôi, ít bị bệnh… Khâu chăm sóc cũng dễ, tỷ lệ hao hụt thấp, cá được cho ăn đầy đủ, phòng ngừa bệnh kịp thời là cá rất mau lớn”.

Về kỹ thuật nuôi, anh Sáu cho biết: Trước khi thả cá giống, cần vệ sinh bè sạch sẽ bằng vôi bột và ngâm bè dưới mặt nước nhiều ngày. Tiếp đó, bao lưới quanh bè, rồi thả cá giống vào ương nuôi; cho cá ăn bằng các loại cá tạp được đánh bắt ngoài tự nhiên xay nhuyễn trộn với men tiêu hóa. Hơn 1 tháng sau khi ương, anh Sáu tháo lưới và cho cá ra bè. Thời gian này, anh tăng dần khẩu phần thức ăn lên theo quá trình tăng trọng của cá. Nguồn thức ăn chủ yếu của cá lúc này là cá tạp để nguyên con. Trung bình, đầu tư 4 – 5 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg cá thương phẩm. Cuối tháng 8/2018, anh Sáu cất bè thu hoạch được 1,1 tấn, bán giá bình quân 38.000 đồng/kg, thu về trên 51 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc… còn lãi trên 20 triệu đồng. Hiện tại, anh Sáu đang tiếp tục nuôi trên 7.300 con trong 2 chiếc bè gỗ cũ neo đậu trên dòng kênh Phú Thành 1. Đàn cá đã được từ 2 – 4 tháng, đang phát triển tốt và chuẩn bị thu hoạch, dự kiến đạt 1.700 kg. Với giá cá lóc bông như hiện nay, sẽ cho thu nhập trên 65 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, lãi hơn 25 triệu đồng.

Nuôi cá lóc bông trong bè của anh Nguyễn Văn Sáu và người dân xã Phú Thành B, huyện Tam Nông vừa cho thu nhập cao, vừa giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đây là mô hình đang được ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng.

Trần Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!