Hệ sinh thái vùng biển ven bờ suy giảm: Đà Nẵng có bỏ lơ Sơn Trà?

Chưa có đánh giá về bài viết

Rạn san hô giảm hơn 40%, cỏ biển bị thu hẹp 90% là những con số về hiện trạng suy thoái vùng bờ biển ven bờ bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Đáng nói, đây lại chính là khu vực lưu giữ hệ đa dạng sinh học, nguồn gen, nơi đẻ trứng của các loài động vật biển.

Ngư dân Đà Nẵng nhiều năm qua đã chứng kiến sự suy giảm rất lớn về nguồn lợi thủy sản. Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, hệ sinh thái này hoàn toàn có khả năng phục hồi bằng sự phối hợp giữa chính quyền, người dân và các tổ chức doanh nghiệp có liên quan.

Suy thoái nặng nề


Vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng nằm ngay dưới chân khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Trong một đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng, ở khu vực xung quanh bán đảo Sơn Trà và vùng biển ven bờ Đà Nẵng có 191 loài san hô cứng tạo rạn với diện tích 104,6 ha và ghi nhận được 74 loài cá rạn san hô, trong đó có hơn 30 loài có giá trị kinh tế cao. Thảm rong biển ở Sơn Trà có 72 loài với diện tích phân bố 26,2 ha và 3 loài cỏ biển có diện tích 10 ha.

Thế nhưng, đó là câu chuyện năm 2005 trở về trước. Bởi, theo báo cáo mới nhất của Viện Hải dương học năm 2017, hệ sinh thái này đã bị suy thoái nghiêm trọng. Cụ thể, hệ sinh thái rạn san hô tại Sơn Trà đã giảm 42% diện tích trong 10 năm. Từ 2006 đến 2016, khoảng 34 ha san hô đã biến mất. Độ phủ san hô suy giảm nghiêm trọng nhất ở phía Bắc bán đảo Sơn Trà như Bãi Bộ Đội, Mũi Lố, Bãi Bắc. Riêng ở Bãi Bắc, độ phủ san hô cứng từ 31,9% (2006) đã giảm còn 0,6% (2016), Mũi Lố độ phủ san hô cứng từ 21,3% (2006) giảm còn 7,5% (2016). Điều này có nghĩa là rạn san hô ở khu vực này gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Phía Nam bán đảo đã suy giảm độ phủ nghiêm trọng của san hô cứng ở địa điểm Hục Lỡ, từ 31,25% (2006) giảm còn 4,7% (2016). San hô mềm cũng suy giảm độ phủ từ 3 – 9,4% ở các điểm khảo sát Bãi Bụt, Hục Lỡ và Bãi Nồm. 

Bên cạnh đó, mật độ động vật đáy vùng ven biển Sơn Trà cũng có sự suy giảm mạnh. Các loài có giá trị kinh tế cao như nhum sọ, bàn mai, hải sâm rất hiếm gặp trên rạn. Cũng theo báo cáo này, suy thoái thảm cỏ biển lên đến 90%, bởi nếu nghiên cứu năm 2005, Sơn Trà có 10 ha cỏ biển thì giờ đây còn chưa tới 1 ha. Một con số đáng báo động!

Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học nhận định: “Diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi rạn san hô đã biến mất. Có rất nhiều nguyên nhân, tác động khác nhau nhưng trong đó việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ, sự lắng đọng trầm tích và rác thải, ô nhiễm môi trường do các hoạt động từ các khu đô thị, nhà hàng, du lịch. Đây là những điều có thể thấy rõ nhất việc tác động đến vùng biển ven bờ Sơn Trà thời gian qua”.

Hệ sinh thái dưới nước ở Sơn Trà là nơi lưu giữ nguồn gen quý, nguồn thủy sản cho người dân. Ảnh: LPC

Đáng nói, những tác động này đã được Đà Nẵng nhìn thấy từ năm 2011, Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố cũng đã có dự án phục hồi đa dạng sinh học và các hệ sinh thái trên cạn và ở biển tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi thứ vẫn chìm trong im lặng, trong khi các hoạt động du lịch đang ngày càng phát triển rầm rộ, thậm chí là chưa được kiểm soát hết hoàn toàn khiến động thực vật tại Sơn Trà bị đe dọa.

Chưa quá muộn để phục hồi hệ sinh thái quý giá


Đà Nẵng cần có chính sách, chương trình phục hồi sớm dành cho Sơn Trà. Ảnh: Lê Tuấn

TS. Sinh vật học Nguyễn Thị Tường Vi, người làm đề tài nghiên cứu nguồn lợi thủy sản ở vùng biển này khẳng định, nguồn lợi thủy sản ở khu vực vùng biển Bán đảo Sơn Trà mang về cho ngư dân khoảng 10 tỷ đồng/năm, trong đó có các loài giá trị như tôm hùm, cá mú…và khoảng 300 loài cá có giá trị khác đang sinh sống ở đây. Và, không phải tự nhiên mà các nhà khoa học của Viện Sinh thái học miền Nam và Viện Hải dương học nghiên cứu đánh giá về hệ thống san hô và thảm cỏ biển tại Sơn Trà.

 “Việc duy trì các quá trình sinh thái và ổn định môi trường biển rất quan trọng. Rạn san hô và thảm cỏ biển là nơi cư trú, với nguồn thức ăn dồi dào và là nơi sinh đẻ, nuôi ấu trùng, con non của nhiều loài sinh vật biển có giá trị, giúp bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn gen. Rạn san hô, thảm cỏ biển giúp bảo vệ đường bờ, là cơ hội để phát triển ngành du lịch biển với loại hình lặn ngắm san hô. Thế nhưng, với những con số trên thì hiện nay vùng ven bờ bán đảo Sơn Trà đang đối diện với việc suy giảm nghiêm trọng mà nếu không được đánh động từ người dân, doanh nghiệp đến chính quyền địa phương thì một hệ sinh thái đa dạng của Việt Nam sẽ biến mất hoàn toàn trong tương lai” – ông Vỹ cảnh báo.

Từ thực tế đó, ông Vỹ khuyến nghị, cần thiết phải xây dựng dự án phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái ở biển tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để bảo tồn loài đặc biệt quý hiếm, phục hồi các hệ sinh thái bị suy giảm và đảm bảo môi trường sống vững bền cho các sinh vật, bảo vệ tốt các giá trị đa dạng sinh học của thành phố.

Phục hồi hệ sinh thái Sơn Trà mang lại nguồn lợi thủy sản lâu dài cho người dân. Ảnh: Lê Tuấn

Trong đó, bài học từ Cù Lao Chàm là một ví dụ điển hình. Hệ sinh thái san hô, cỏ biển và cả rùa biển đang được phục hồi tại Cù Lao Chàm và đã cho được kết quả tốt. Được biết, những bãi cát ven bán đảo Sơn Trà xen lẫn các vách đá ven bờ biển, trong đó có bãi Bắc trước đây là bãi đẻ của rùa biển, nhưng hiện nay các bãi cát này đã được sử dụng làm bãi tắm và xây dựng khu du lịch nên đã không còn xuất hiện rùa biển lên đẻ trứng. Trong khi đó, với những nỗ lực của mình, từ năm 2017, hàng trăm trứng rùa biển chuyển từ Côn Đảo về đã được ấp nở tại Cù Lao Chàm với hy vọng dự án sẽ phục hồi lại bãi đẻ của rùa.

Thực tế hơn, từ năm 2016 đến 2018, Viện Sinh thái học miền Nam đã có đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà”. Kết quả cho thấy, các nhà khoa học đã xây dựng 2 mô hình phục hồi và quản lý rạn san hô và thảm cỏ biển ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà gắn với sự tham gia của cộng đồng địa phương hoặc doanh nghiệp liên quan với rạn san hô là 2.000 m2 và thảm cỏ biển là 2.000 m2

“Sau gần 3 năm phục hồi, độ phủ san hô sống tăng hơn 10% so với ban đầu. Có sự gia tăng về sinh vật sống trong rạn. Độ phủ thảm cỏ biển tăng khoảng 20 – 30% so với ban đầu. Như vậy, khả năng tự phục hồi hệ sinh thái san hô, cỏ biển và thủy sinh vật ở vùng biển xung quanh bán đảo Sơn Trà là rất lớn, Đà Nẵng nên chăng giữ gìn hệ sinh thái này của mai sau. Tất cả còn chưa quá muộn” – ông Vỹ nhấn mạnh.

Nguyễn Thùy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!