Kiên Giang: Hiệu quả luân canh tôm càng xanh toàn đực – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Kiên Giang có diện tích nuôi tôm – lúa khá lớn, đến năm 2019 diện tích nuôi là 89.000 ha; ngoài tôm sú, từ năm 2013 – 2014, tôm càng xanh bắt đầu được bà con nông dân thả nuôi trong mô hình luân canh tôm – lúa dưới hình thức thả nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với tôm sú trong mô hình, với năng suất tôm càng xanh dao động từ 150 – 250 kg/ha.

Tận dụng điều kiện tự nhiên

Chủ yếu diện tích nuôi tôm (nước lợ) luân canh với trồng lúa tại Kiên Giang, đều được chuyển đổi từ đất trồng lúa 1 vụ/năm kết hợp nuôi cá đồng, đất canh tác 2 vụ lúa nhưng kém hiệu quả do không chủ động được nguồn nước ngọt trong mùa khô, đất hoang hóa, vườn tạp… nên trong năm vẫn đảm bảo được khoảng từ 4 – 5 tháng trong mùa mưa có nước ngọt phục vụ cho canh tác lúa; khoảng thời gian còn lại đều phù hợp nuôi tôm. Năm 2015 toàn tỉnh có 4.628 ha được thả nuôi tôm càng xanh, sản lượng thu hoạch 2.572 tấn; đến năm 2017, diện tích nuôi tôm càng xanh toàn tỉnh là 11.513 ha, sản lượng đạt 8.387 tấn và từ năm 2018 – 2019 là trên 16.000 ha, sản lượng 8.900 tấn.  

Hình thức nuôi tôm càng xanh – lúa ở Kiên Giang khá đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu là: Tôm càng xanh luân canh với trồng lúa; tôm càng xanh + tôm sú luân canh với trồng lúa; tôm càng xanh xen canh với trồng lúa sau vụ nuôi tôm sú (hoặc TTCT). Trong đó, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh với trồng lúa, được nông dân vùng U Minh thượng, nhất là những nơi sản xuất lúa 2 vụ/năm nhưng gặp thời tiết bất lợi, ảnh hưởng xâm nhập mặn nhưng độ mặn thấp triển khai rất hiệu quả trong những năm gần đây. 

Thu hoạch tôm càng xanh toàn đực trong mô hình – Ảnh: KNKG

Sau khi thu hoạch vụ lúa (tháng 1 – 2 dương lịch), tiến hành cải tạo hệ thống nuôi và thả giống trong tháng 2 – 3. Đa số hộ nuôi tôm càng xanh xây dựng công trình nuôi gồm: bờ bao, mương bao xung quanh ruộng và mặt ruộng trồng lúa, trong vụ nuôi tôm, mực nước trên mặt ruộng dao động từ 0,6 – 0,8 m. Qua kết quả khảo sát năm 2018, mô hình nuôi tôm – lúa ở Kiên Giang, chỉ có 44,6% hộ nuôi có xây dựng khu ao ương giống giai đoạn đầu; còn lại chủ yếu người nuôi thả giống trực tiếp (cỡ PL12 – 15) vào khu ruộng nuôi sau khi cải tạo. Trường hợp những hộ có thiết kế khu ương tôm giống, tôm được thả ương từ 30 – 50 ngày, tiến hành thả ra khu nuôi. 

Tôm giống được lựa chọn tại các cơ sở cung cấp có uy tín, giống tôm càng xanh toàn đực. Độ mặn nước trong ruộng ở thời điểm thả giống không quá cao (< 12‰), tùy điều kiện hàng năm sau đó giảm dần đến khi thu hoạch tôm độ mặn còn thấp (< 3‰) để thuận tiện cho công tác rửa mặn triệt để tiến hành gieo sạ (hoặc cấy) vụ lúa.

 

 Ưu điểm

 Nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh với trồng lúa, cho năng suất khá cao, cỡ tôm thu hoạch lớn; tuy nhiên do thời gian nuôi khá lâu (trung bình 162 ngày), tỷ lệ sống thấp (trung bình 35,84%). Hộ nuôi có xây dựng khu ao ương tôm giống giai đoạn đầu, tôm nuôi đạt tỷ lệ sống cao hơn so với hộ nuôi thả tôm giống trực tiếp (cỡ PL12 – 15) vào ruộng nuôi. So sánh với mô hình nuôi tôm càng xanh thường (tôm đực và cái), thì nuôi tôm toàn đực cho năng suất cao hơn 1,5 – 2 lần. Nuôi tôm càng xanh thường, cỡ tôm trung bình thu hoạch là 35,8 g/con (27,6 – 42,5 g/con), thấp hơn so với tôm càng xanh toàn đực. Vụ sản xuất lúa trong mô hình luân canh tôm càng xanh – lúa, cho năng suất trung bình 4,67 tấn/ha (dao động 4,3 – 6,2 tấn/ha). Vụ nuôi tôm càng xanh toàn đực trong mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao (lãi trung bình 54.817.000 đồng/ha/vụ); tuy nhiên chi phí đầu vào cao, nhất là chi phí mua con giống. Trường hợp nuôi tôm càng xanh thông thường, lợi nhuận trung bình 29.772.000 đồng/ha (dao động 18.860.000 – 32.370.000 đồng); Vụ sản xuất lúa trong mô hình, nông dân thu lãi thêm từ 11.500.000 – 16.000.000 đồng/ha/vụ.  

>> Để mô hình hiệu quả hơn, cần nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ sản xuất giống tiên tiến, cung ứng đủ con giống đảm bảo chất lượng với nhu cầu, phục vụ nuôi tôm thương phẩm; cùng đó, cần xây dựng quy trình khuyến cáo nông dân ương tôm giai đoạn đầu trong ao đất, ao lót bạt… bố trí giá thể trú ẩn và cung cấp thức ăn, chất bổ sung phù hợp nhằm tăng tỷ lệ sống. 

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!