Nuôi thủy sản phục vụ du lịch sinh thái

Chưa có đánh giá về bài viết

Lợi ích kép, vừa thu được giá trị kinh tế cao từ sản xuất vừa có lợi nhuận khi phục vụ du lịch là những thành quả đáng ghi nhận của mô hình nuôi thủy sản phục vụ du lịch sinh thái ở TP.Hội An.


Du khách được câu cá kết hợp với khám phá rừng dừa nước Bảy Mẫu. Ảnh: QUANG VIỆT

Thành công lớn

Xuất thân từ nông dân, anh Lê Văn Nhựt (thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) trăn trở tìm lối đi cho nghề nuôi thủy sản. Những năm 2012 – 2013, anh Nhựt liên tục thất bát với nghề nuôi tôm. Không nản chí, huy động vốn từ vay ngân hàng, mượn của người thân, bạn bè, anh chuyển 2.000m2 ao nuôi tôm sang nuôi cá điêu hồng, cá mú, cá hanh, cá hồng. Trong phạm vi nuôi cá, anh Nhựt đầu tư nhiều chòi bằng tre nứa lợp lá dừa nước để phục vụ du khách. “Tôi đầu tư 5 tỷ đồng cho mô hình nuôi thủy sản phục vụ du lịch sinh thái và thu được hiệu quả kinh tế cao vào thời điểm này. Khi vào tham quan, khách phải mua vé 30 nghìn đồng để câu cá tại chỗ. Họ phải mua thêm 100 nghìn đồng nếu muốn được đưa vào rừng dừa Bảy Mẫu để câu cá, bắt tôm, bắt cua. Khi câu được các loại thủy sản trên, du khách có thể chế biến để thưởng thức. Khách tham quan còn được phục vụ các món ăn dân dã, hải sản tươi sống nếu có nhu cầu” – anh Nhựt nói. Trung bình, mỗi năm thu được hàng chục tấn cá thương phẩm, anh Nhựt có thêm nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Sau mỗi lần thu hoạch, anh bổ sung nguồn cá giống được ương sẵn để tiếp tục nuôi cá phục vụ du lịch sinh thái.

Riêng tại xã Cẩm Thanh, có hàng chục mô hình nuôi tôm xen kẽ với nhiều loại cá để phục vụ du lịch sinh thái như Tuấn Liên, Vũ Lê, Phát Huy, thu hút khách trong và ngoài nước. Chi phí không quá lớn mà được trực tiếp câu cá, chế biến món ăn và khám phá rừng dừa nước có đa dạng hệ sinh thái nên khách rất hào hứng. Eric Charden đến từ Anh Quốc cho biết, khi tham quan mô hình nuôi thủy sản phục vụ du khách đã trải nghiệm nhiều cảm giác, tò mò, ngạc nhiên, phấn khích, thoải mái. “Chúng tôi muốn hưởng thụ các giá trị còn nguyên sơ. Câu cá, tự tay chế biến món ăn, du ngoạn quanh rừng dừa Bảy Mẫu đem đến những trải nghiệm thú vị. Chúng tôi rất thích sự yên tĩnh, dân dã của sản phẩm du lịch độc đáo” – Eric Charden nói. Ông Trần Văn Hưng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Thanh cho biết, tận dụng các ưu thế về thiên nhiên, du lịch sinh thái đã trở thành xu hướng chủ đạo của xã. Trong khi đó, nuôi tôm thẻ chân trắng trong thời gian qua vừa thất bát vừa ô nhiễm môi trường nên địa phương khuyến khích nông hộ chuyển sang nuôi cá phục vụ du lịch sinh thái, tăng thêm nguồn thu nhập. Mô hình đã cho hiệu quả thiết thực.

Sẽ nhân rộng

Theo ông Lê Đình Tường – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, phường Cẩm Châu có nhiều đặc điểm về tự nhiên giống với xã Cẩm Thanh nên đang xúc tiến phát triển mô hình nuôi thủy sản phục vụ du lịch sinh thái. Tương tự, xã Cẩm Hà cũng đang chuẩn bị các điều kiện để tham gia  mô hình này. “Du lịch sinh thái đã đi vào quỹ đạo chung trong phát triển kinh tế – xã hội ở TP.Hội An. Trong khi đó, nhiều diện tích đất hoang hóa cần được khơi thông trở lại để nuôi các loại thủy sản như cá dìa, chẻm, mú, điêu hồng vừa thu được giá trị kinh tế khá vừa được tăng thêm thu nhập cho nông hộ khi đưa vào phục vụ du lịch sinh thái” – ông Tường nói. Theo Hội Nông dân phường Cẩm Châu, địa phương đang nỗ lực thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với nông dân cùng nuôi thủy sản phục vụ du lịch sinh thái, đồng thời chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về nuôi thủy sản để tạo điểm đến du lịch, hấp dẫn đông đảo du khách gần xa.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, quỹ đất, diện tích mặt nước trên địa bàn không ngừng bị thu hẹp do phải đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình dân sinh, áp lực của đô thị hóa cũng như phát triển du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng vẫn giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Qua nhiều đợt tham quan, nghiên cứu kỹ lưỡng, địa phương đã chọn nuôi thủy sản phục vụ du lịch sinh thái thành hướng đi thiết thực với rất nhiều kỳ vọng. Với cách phát triển này, nông hộ trên địa bàn đã được hướng dẫn nuôi thủy sản với quy trình nuôi phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, tạo thuận lợi để các hệ sinh thái cùng phát triển. “Nuôi thủy sản phục vụ du lịch sinh thái vừa kế thừa truyền thống đã thành tập quán của bà con nông dân bấy lâu nay vừa phù hợp với xu hướng phát triển không thể khác của thành phố là phục vụ du lịch” – ông Hùng nói.

Việt Nguyễn

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!