Phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là nội dung chính của hội nghị do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ngày 16/5/2017 tại Hà Tĩnh.

Toàn cảnh Hội nghị phát triển bền vũng nghề Nuôi tôm trên cát

Toàn cảnh Hội nghị phát triển bền vũng nghề Nuôi tôm trên cát 

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, phong trào nuôi tôm trên cát các tỉnh miền Trung bắt đầu từ những năm 2000, việc phát triển thời kỳ đầu chậm do gặp những vướng mắc như chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng lớn, giá thành sản xuất cao và tác động tiêu cực như phá rừng, khai thác cạn kiệt nước ngầm… Tuy nhiên, sau khi áp dụng công nghệ mới như nuôi tôm thâm canh ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, tái sử dụng nước, áp dụng công nghệ biofloc… diện tích nuôi tôm trên vùng cát đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết: “Nghề nuôi tôm trên cát tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao, song nếu quản lý không tốt có thể phát sinh nhiều hệ lụy như: Hạ tầng vùng nuôi tôm trên cát chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chưa có ao lắng, xử lý nước, bùn thải… dễ gây ô nhiễm môi trường; việc sử dụng thuốc, hóa chất tùy tiện trong sản xuất; chất thải chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường dễ gây tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh… Bên cạnh đó, việc phát triển không theo quy hoạch có thể làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ ven biển và nguồn nước ngầm ngọt tại các khu vực này”.

Ngoài ra, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn của nghề nuôi tôm trên cát như: Công tác quy hoạch, thủy lợi, vốn, chính sách đất đai, thị trường, kỹ thuật nuôi… Do đó, để đưa con tôm trở thành mặt hàng chủ lực của miền Trung đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các giải pháp, từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Trong chiến lược phát triển ngành hàng tôm Việt Nam thì khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có vai trò và tiềm năng quan trọng để phát triển, nhất là đối với nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên vùng này cũng còn có những thách thức. Do vậy, nếu làm tốt đúng quy trình, có kinh nghiệm, chịu đầu tư thì sẽ cho năng suất, hiệu quả cao. Nếu chúng ta đồng lòng, thì nghề nuôi tôm trên cát chắc chắn sẽ thắng lợi”. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh cần phải rà soát diện tích đất cát quy hoạch nuôi tôm, không vi phạm đất rừng; vùng quy hoạch phải có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo. Về phía doanh nghiệp cần làm tốt diện tích đang canh tác; liên kết với nhau, liên kết với người nông dân để tạo sự bền vững. Tổng cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để có kế hoạch cụ thể phối hợp từ quy hoạch cho đến những hoạt động khác. Ngoài ra, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành khác như: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. 

>>Đến năm 2016, cả nước có 14 tỉnh, thành ven biển miền Trung đang nuôi tôm trên cát với tổng diện tích 3.734 ha, sản lượng 41.705 tấn. Nuôi tôm trên cát đã và đang góp phần quan trọng vào đời sống kinh tế xã hội, đem lại việc làm, thu nhập cho một bộ phận lớn người dân nghèo ven biển.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!