Thủy sản tại Hà Nội cần thêm chế tài

Chưa có đánh giá về bài viết

Hà Nội được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản, tuy nhiên, lĩnh vực này của thành phố vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết thế mạnh.

Tiềm năng lớn

Hà Nội có tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) với diện tích trên 30.840, nhất là tại các huyện vùng trũng như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức…; nhiều sông chạy qua như sông Hồng, sông Đuống… có lợi thế cho việc khai thác tự nhiên và nuôi cá lồng, bè. Năm 2014, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn thành phố đạt 90.380 tấn. Thực hiện chương trình phát triển NTTS, hàng năm, thành phố bổ sung kinh phí 15 – 20 tỷ đồng cho phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung, đảm bảo môi trường dịch bệnh…

Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản – Ảnh: Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hà Nội

Tuy nhiên hạn chế là vẫn tồn tại như tình trạng ô nhiễm môi trường nước, sản phẩm và con giống thủy sản lưu thông từ các tỉnh, thành chưa được chú trọng kiểm soát… Hạ tầng hệ thống kinh doanh thủy sản chưa được đầu tư đồng bộ, số cơ sở đảm bảo ATTP trong kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản còn ít. Sản lượng sản phẩm tiêu thụ và lưu thông trên địa bàn còn lớn, trong khi vùng sản xuất tại chỗ còn thấp, các sản phẩm thủy sản và con giống khi lưu thông chưa được chú trọng kiểm soát. Những hình thức khai thác thủy sản trái phép (sử dụng xung điện, kích điện) còn xảy ra, chương trình ngăn ngừa sinh vật ngoại lai chưa được triển khai thường xuyên. Tình trạng lưu thông giống thủy sản trái phép vẫn gây thiệt hại cho người nuôi. Việc kiểm tra những cơ sở, cá nhân kinh doanh giống hiện còn khó khăn, nhiều đối tượng chưa có giấy phép hành nghề…

 

Cần nhiều giải pháp

PGS – TS Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh, việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản phải lâu dài, liên tục, là việc làm thường xuyên và cấp thiết. Các cơ quan chức năng cần vận động người dân tuân thủ quy định tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hội mong muốn Chi cục Thủy sản Hà Nội sớm thành lập Hội Thủy sản Hà Nội, giúp những cơ chế chính sách, khoa học kỹ thuật sớm được đi vào thực tiễn, nông dân sớm được đề xuất ý kiến của mình, nhằm tạo hiệu quả kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập, đem lại hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường.

Ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, thủy sản Hà Nội có nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hết. Các yếu tố đầu vào trong nuôi trồng chưa có cơ chế, chế tài xử phạt, lực lượng tham gia còn yếu. Sản phẩm còn tồn dư hóa chất. Còn theo đại diện Vụ NTTS, tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên đã đến mức báo động. Hà Nội cần tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ, không nuôi các loài ngoại lai, quản lý dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Trong khai thác, nghiêm túc thực hiện thời gian khai thác, phương tiện, hình thức khai thác, ngăn chặn các hình thức khai thác mang tính hủy diệt. Các địa phương cần phối hợp tốt hơn nữa mọi hoạt động, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tại các chợ đầu mối.

>> Theo quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, diện tích NTTS toàn thành phố đạt 22.500 ha, vùng NTTS tập trung 10.260 ha, tăng bình quân 0,9%/năm, năng suất bình quân 9,4 tấn/ha. Sản lượng đạt 212.000 tấn.

Thảo Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!