Cá chạch bùn – Hướng mới cho thủy sản Thừa Thiên – Huế

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá chạch bùn được nuôi rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Thịt cá thơm ngon, xương mềm nên thị trường tiêu thụ tốt. Đây là đối tượng nuôi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.

hỗ trợ của trung tâm khuyến nông quốc gia

Thích nghi cao

Chạch bùn có nguồn gốc từ Đài Loan được đưa về Việt Nam nhân giống mấy năm trước. Tuy nhiên, mô hình nuôi thử nghiệm đối tượng này đã cho kết quả rất khả quan và nhân rộng khá nhanh. Nhiều bà con nông dân đã đầu tư sản xuất con giống và nuôi thịt hiệu quả. Thị trường cá chạch bùn rất rộng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Anh Bùi Vĩnh Thái, người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá chạch bùn trong ao đất tại An Giang cho biết: Chạch bùn tuy tỷ lệ hao hụt khá cao, nhưng dễ nuôi, mau lớn, hồ nuôi chỉ cần nước sạch, thông thoáng, chi phí chăm sóc không lớn. Thời gian nuôi từ lúc thả giống đến khi thu hoạch khoảng 3,5 – 4 tháng, cá đạt trọng lượng 25 – 30 con/kg. “Cá chạch bùn không những dễ nuôi mà còn phát triển nhanh, giá cả thị trường khá hấp dẫn”, anh Thái khẳng định. Một ưu điểm của loài cá này là khi vận chuyển xa, người ta có thể ướp nước đá cho cá ngủ đông trong khoảng 5 giờ. Sau đó, thả cá vào nước ngọt, cá sẽ sống lại nên rất thuận tiện cho việc chuyên chở. Theo chia sẻ của anh Bùi Vĩnh Thái, nuôi cá chạch bùn rất yên tâm và chủ động hoàn toàn nguồn thức ăn công nghiệp, giúp cá khỏe và lớn nhanh. Với hệ số thức ăn 1,7 sẽ cho 1 kg cá thương phẩm (khoảng 25 – 30 con).

cá chạch bùn hướng mới cho thủy sản

Bình quân cá chạch trưởng thành đạt trọng lượng 25 – 30 con/ kg – Ảnh: Ngọc Trinh

Chạch bùn có thể sống ở sông, hồ, ao và ruộng lúa, nơi có đáy bùn và nước chảy nhẹ. Hiện nay, loài cá này đã cho sinh sản nhân tạo thành công, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân.

 

Triển vọng tại Thừa Thiên – Huế

Nhận thấy tiềm năng phát triển và lợi thế đầu ra, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư Thừa Thiên – Huế đã thực hiện thành công 2 mô hình (500 m2/mô hình) nuôi thí điểm cá chạch bùn trong ao tại xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) và xã Phong Bình (huyện Phong Điền).

Theo chia sẻ của cán bộ khuyến nông, các khâu kỹ thuật, quy trình nuôi, cho ăn, xử lý môi trường… trong nuôi cá chạch rất dễ nắm bắt. Với 500 m2 có thể thả nuôi khoảng 15.000 con giống, mật độ trung bình 30 con/m2. Sau hơn 4 tháng, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 100.000 – 120.000 đồng/kg, mô hình trên cho thu nhập trên 40 triệu đồng, lãi hơn 15 triệu đồng.

Cá chạch sống ở đáy ao, thích nghi tốt với môi trường xấu và có khả năng thích ứng với biến đổi khi hậu. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng phức tạp, kéo dài, cá chạch vẫn phát triển tốt, phù hợp với điều kiện canh tác, sản xuất trên nhiều vùng đất ở Thừa Thiên – Huế.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu sản xuất, khi nuôi, bà con phải chọn giống nuôi có kích cỡ đồng đều, không dị hình, bơi lội nhanh nhẹn và không có dấu hiệu dịch bệnh. Mật độ thả nuôi phù hợp, bình quân 30 con/m2. Sử dụng thức ăn công nghiệp để đảm bảo và dễ quản lý. Bên cạnh đó, căn chỉnh lượng thức ăn hợp lý, tránh dư thừa. Ngoài ra, bổ sung các dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho cá…

Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư Thừa Thiên – Huế cho biết, mô hình nuôi cá chạch bùn trong ao đã khẳng định phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề con giống. Bởi, trên địa bàn tỉnh đến nay chưa có cơ sở sản xuất giống cá chạch bùn tại chỗ, người nuôi phải vào các tỉnh phía Nam để mua giống, chi phí vận chuyển cao, ảnh hưởng đến chất lượng giống. Do vậy, rất cần các ban ngành hỗ trợ, nghiên cứu sản xuất con giống nhân tạo tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi tại địa bàn.

>> Muốn nuôi cá hiệu quả kinh tế cao thì ao nuôi phải vệ sinh sạch sẽ trước khi thả giống, nguồn nước đủ lượng ôxy; chọn giống cá tốt, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Khi thu hoạch xong cần dọn sạch ao, tháo cạn nước, bón vôi, phơi đáy khô; chủ động nguồn nước cấp thoát trong ao…

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!