Cần chủ động ứng phó chống bán phá giá

Chưa có đánh giá về bài viết

Vấn đề chống bán phá giá đang ngày càng đặt ra nghiêm ngặt. Đây là một “cánh cửa” quan trọng kiểm soát thị trường nhập khẩu của nhiều nước phát triển mà Việt Nam đã rút được nhiều bài học.

Một rào cản lớn

Thủy sản Việt Nam đã vướng vào nhiều vụ kiện chống phá giá và hứng chịu thuế chống phá giá cao, đặc biệt ở Mỹ, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước cũng như người nông dân. Nhiều doanh nghiệp đề xuất ý tưởng chọn các nước mà luật chống bán phá giá chưa được áp dụng hoặc còn lỏng lẻo để dễ bề tiêu thụ hàng hóa. Song đó là cái nhìn thiếu tích cực.

Các chuyên gia cho rằng, chống bán phá giá không phải là một hàng rào dành riêng cho hàng hóa Việt Nam, mà là công cụ được sử dụng ngày càng rộng rãi. Pháp luật về chống bán phá giá và phòng vệ thương mại của Mỹ có từ những năm đầu thế kỷ XX, được định hình rõ trong Luật Thuế quan năm 1930. Mục đích là bảo vệ tối đa quyền lợi của các nhà sản xuất nội địa trong nền kinh tế thị trường. Theo thống kê, Mỹ chỉ là nước đứng thứ hai thế giới về việc áp dụng chống bán phá giá, trong khi đó Ấn Độ mới là nước rất quan tâm lĩnh vực này. Số liệu đến 2010,  Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá 443 vụ kể từ 1/1/1995, trong khi Ấn Độ điều tra 637 vụ và EU là 421 vụ.

Theo dự báo thì các vụ điều tra chống bán phá giá sẽ ngày càng tăng vì hai lý do. Thứ nhất là sự nhạy cảm chính trị, như nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khi không cùng lợi ích kinh tế thì việc áp thuế chống bán phá giá sẽ dễ dàng được sử dụng để hạn chế sự thâm nhập hàng hóa với các nước này. Thứ hai là nền kinh tế nông nghiệp thế giới ngày càng quan trọng và việc giữ vị thế các nền kinh tế lớn khiến nhiều nước, nhiều cộng đồng sẽ bảo hộ nền nông nghiệp của họ, đặc biệt sau những đợt kinh tế suy thoái làm mất nhiều việc làm.

 

Tôm Việt Nam nhiều lần gặp khó với thuế chống bán phá giá – Ảnh: Huỳnh Lâm

 

Chủ động ứng phó

Phần lớn các ý kiến cho rằng, để vượt qua vấn đề hàng rào thuế chống phá giá được áp dụng ở Mỹ và EU thì cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường. Bởi những điều khoản bất lợi dành cho nền kinh tế phi thị trường sẽ là gánh nặng cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, mặc dù nền kinh tế thủy sản Việt Nam áp dụng rất nhiều công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới từ nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam khi bị áp dụng tính thuế chống phá giá lại phải chọn một nước thứ ba.

Để phát triển kinh tế thị trường thì vai trò của nhà nước sẽ nằm ở vị trí điều tiết chiến lược chứ không làm thay việc của doanh nghiệp như hiện nay. Điển hình là “Cơ chế giám sát xuất khẩu” hiện nay đa số thuộc chức năng của nhà nước, kiểm soát từ trên xuống, với các chính sách các văn bản, các quy định. Mà hầu hết các văn bản này lại không có tính liên thông quốc tế. Trong khi nền kinh tế thị trường lại cần vận hành từ dưới lên, nghĩa là cơ chế giám sát xuất khẩu sẽ thuộc về người dân, các doanh nghiệp, hiệp hội, các liên đoàn, tổ chức xã hội. Như vậy nhà nước cần khuyến khích cơ chế giám sát xuất khẩu theo hướng xã hội hóa, và tích cực thực hiện những cơ chế hỗ trợ kiểm soát liên quốc gia.

Một vấn đề khác đó là sự chia sẻ lợi ích cần được đặt lên hàng đầu. Sở dĩ các vụ kiện xảy ra là do thị phần nội địa các nước bị thu hẹp, khiến công ăn việc làm người dân bị ảnh hưởng dẫn đến các đơn kiện của các hiệp hội. Để chia sẻ lợi ích, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự gắn kết hơn nữa với các hiệp hội quốc gia nước bạn, cũng như các doanh nghiệp nước bạn. Mô hình khá phổ biến đó là thu hút vốn đầu tư từ Mỹ, EU trong nuôi trồng, chế biến hoặc phân phối sản phẩm. Đây là bài toán không dễ, sau khi một số đại gia Việt Nam đã thử nuôi trồng thủy sản tại các thị trường nhưng thất bại. Song, đây là một hướng rất được các hiệp hội các thị trường khuyến khích.

 

Phải tự lực cánh sinh

Việt Nam sẽ chấm dứt nền kinh tế phi thị trường vào năm 2019, bởi vậy vấn đề nền kinh tế thị trường sẽ được giải quyết không bao lâu nữa. Song, các chuyên gia cảnh báo, dư luận một số thị trường cho rằng không ít nước bị áp thuế chống phá giá do đang là nền kinh tế phi thị trường hoặc cạnh tranh không lành mạnh sẽ “sử dụng Việt Nam như một thị trường trung chuyển” hàng hóa của họ để vào Mỹ, EU… Năm 2015, Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào ASEAN, chưa kể mối liên đới kinh tế với Trung Quốc (một nước thường bị kiện chống bán phá giá) khiến giới quan sát tỏ ra e dè. Hàng hóa Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá, theo đánh giá của các nhà phân tích, thì vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho Trung Quốc và một số nước khác.

Để ngăn ngừa tình trạng “vỏ Việt, ruột không phải Việt” cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp lấy xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa nước ngoài xuất đi Mỹ và EU tránh thuế chống phá giá vì lợi ích trước mắt cục bộ. Muốn vậy, Việt Nam cần tổ chức sản xuất kinh doanh tốt hơn nữa để chủ động các nguồn nguyên liệu, duy trì được nguồn nhân lực chất lượng dồi dào cũng như đảm bảo quy hoạch diện tích sản xuất trong thời gian tới. Tình trạng thu hẹp vùng nuôi, khan hiếm nguyên liệu phải được giải quyết.

Đặc biệt, Việt Nam nên giảm bớt sự ảnh hưởng lệ thuộc từ các doanh nghiệp nước ngoài lên nền kinh tế nông nghiệp, từ con giống, thức ăn, thương hiệu, thị trường… bởi chính sự độc lập và tự chủ mới mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước và người dân, tránh cảnh “đi gia công”, “làm thuê” cho các doanh nghiệp nước ngoài mà lơ là sự phát triển các doanh nghiệp trong nước.

>> Đã hơn một lần Việt Nam thắng kiện Mỹ tại WTO, lần đầu tiên là hôm 17/11/2014 vừa qua. Trước đó, tháng 7/2011, WTO cũng ra phán quyết với nội dung tương tự trong vụ kiện của Việt Nam khởi xướng vào đầu năm 2010 với cách tính thuế chống bán phá giá vô lý mà Mỹ áp dụng với tôm Việt Nam.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!