Cần “nhạc trưởng” điều phối chuỗi sản xuất nông sản vùng ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy, hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; tuy nhiên, điểm nghẽn phát triển tiềm năng nông sản của vùng ĐBSCL chính là việc thiếu “nhạc trưởng” trong điều phối, định hướng chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ.

Nhận diện thách thức

ĐBSCL là một trong những vùng nông nghiệp phát triển hàng đầu của Việt Nam, có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp của cả nước và được xem là trung tâm của nguồn cung ứng nông sản đa dạng và phong phú. ĐBSCL có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, địa hình tương đối bằng phẳng và đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt chất lượng tốt, đa dạng sinh học độc đáo từ hệ sinh thái nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Nguồn tài nguyên biển có thể chuyển sang các hoạt động NTTS trong bối cảnh xâm nhập mặn gia tăng, tiềm năng năng lượng tái tạo lớn. Nằm sát TP Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ, ĐBSCL là vùng có quy mô kinh tế lớn và năng động, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn quả của cả nước.

Cần kích hoạt các giải pháp để giúp ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững hơn. Ảnh: Anh Phan

Thông tin tại buổi Tọa đàm với chủ đề: “Công nghệ thực phẩm – sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL” do Trường ĐH Cần Thơ tổ chức sáng 22/3, GS.TS Hà Thanh Toàn, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết, hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong vùng ĐBSCL đang đứng trước thách thức và cơ hội rất lớn để chuyển đổi mở rộng quy mô cơ cấu, gia nhập thị trường, hội nhập sâu rộng với quốc tế; xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, giữa nông dân với các cơ sở chế biến và cơ sở kinh doanh để kết nối được lợi ích với nhau cùng phát triển. 

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã nêu một số hạn chế trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nguyên liệu đến từ nông dân, gây lãng phí và giảm giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thêm vào đó, thiếu “nhạc trưởng” trong điều phối, định hướng chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL cũng là một trong những điểm nghẽn. Do không có “nhạc trưởng”, các tỉnh, thành phố, đơn vị trong vùng mỗi nơi phát triển một kiểu; vận dụng, thực hiện và thiết lập chính sách khác nhau; trong đó, đa phần ít chú ý đến sự hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ. Điều này khiến cho “hệ sinh thái” không thể thực sự hình thành, hoặc không thể vận hành trơn tru.

Giải pháp phát triển thuận thiên

Một trong những giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm giúp nông sản vùng ĐBSCL phát triển thuận lợi, bền vững đó chính là việc đẩy mạnh liên kết vùng. Như chia sẻ của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết trong các lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt; phòng, chống hạn, mặn, trữ ngọt, nạo vét luồng lạch… Việc liên kết vùng hiệu quả sẽ đồng thời tạo nên các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm sản lượng và chất lượng nông sản, nhất là đối với các loại trái cây có thế mạnh của từng địa phương. Nông sản nhờ đó sẽ được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cho các vùng lúa, rau, cây ăn trái, dừa, vùng nuôi tôm, cá trọng điểm…; từ đó đưa ĐBSCL trở thành trung tâm sản xuất, chế biến cung ứng một số sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng cao, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cho xuất khẩu.

Diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết đặt ra cho ĐBSCL hai sự lựa chọn: Kiên quyết chống lại sự thay đổi hoặc thay đổi mình để thuận theo hoàn cảnh mới. Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 17/11/2017 trên cơ sở lựa chọn giải pháp thuận thiên vì một nền nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững. Thực tế sau 6 năm, dù đây được xem là nghị quyết “vàng”, là nguồn cảm hứng và kim chỉ nam để phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, song để nghị quyết này đạt mục tiêu như mong muốn, đòi hỏi phải có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa những nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để nông nghiệp phát triển bền vững.

Chia sẻ thông tin tại Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL ngày 21/3 vừa qua tại Cà Mau, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đưa ra 6 giải pháp chính về phát triển nông nghiệp thuận thuận thiên tại ĐBSCL. Cụ thể: Thứ nhất, cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên. Thứ hai, phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư không hối tiếc thông qua các dự án tại ĐBSCL; hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình – thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, quản lý bền vững nguồn lực tự nhiên gắn với chuyển đổi số và cải cách thể chế chính sách. Thứ ba, hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai các “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; “Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL”… Thứ tư, cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ĐBSCL, đặc biệt lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các dự án nông nghiệp đầu tư công. Thứ năm, kết nối với các địa phương và doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên, tạo liên kết chuỗi với tổ nhóm nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cung cấp các nguồn tài chính linh hoạt từ các quỹ đầu tư, các thể chế tài chính đa phương và song phương. Cuối cùng, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và tổ nhóm nông dân cùng với triển khai các mô hình thí điểm có tính sáng tạo để phát triển nông nghiệp thuận thiên, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhân rộng cho các tỉnh vùng ĐBSCL.

Theo thống kê, ngân sách nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài đã hỗ trợ 266.000 tỷ đồng cho khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021 - 2025. Riêng năm 2023, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp ĐBSCL đạt khoảng 100.000 tỷ đồng. Chính phủ đã bố trí hơn 10.000 tỷ đồng để xử lý 120 km bờ sông, bờ biển sạt lở và cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!