Chiến lược xuất khẩu “xanh”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhiều doanh nghiệp ngành tôm cho rằng, nếu kịp thời nắm bắt, hòa nhịp với xu thế phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra đột phá, phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Theo VASEP, biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu cấp bách của việc bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất xanh, nhằm xuất khẩu bền vững. Lấy dẫn chứng từ các nước EU cho thấy, EU một lần nữa đi tiên phong trong vấn đề tiêu chuẩn. Năm 2019, EU đã khởi động chiến dịch thỏa thuận xanh châu Âu (EGD). Trong các quy định cốt lõi, nổi bật lên là chiến lược Farm to Fork (F2F- hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường). F2F hướng đến năm 2030 giảm 50% sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật, giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%… EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác thực hiện tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường. Vậy, xuất khẩu thủy sản nói chung con tôm nói riêng sẽ làm gì để vượt qua rào cản này? 

Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh. Ảnh: PTC

Các chuyên gia nhận định, giải pháp cho vấn đề này chính là xu hướng sản xuất xanh. Điều này đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu “xanh” với mục đích xanh hóa sản phẩm sẽ giúp tạo nên lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu “xanh”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tạo được nền tảng vững chắc ở các thị trường lớn, FMC đang không ngừng nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh bằng việc mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản. 

Hiện nay, xu hướng sử dụng thủy sản trên thế giới yêu cầu doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh với thủy sản nuôi trồng có kiểm soát, giảm khai thác để phát triển bền vững. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Để đẩy mạnh tham gia thị trường châu Âu (EU và Anh), bên cạnh việc tập trung mọi nguồn lực nâng cao hiệu quả triển khai chương trình sản xuất sạch, Sao Ta còn nỗ lực sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện, nước; tận dụng phụ phẩm cá, tôm làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích; sử dụng năng lượng sạch; phấn đấu đạt chỉ tiêu sử dụng 30% bao bì từ nguyên liệu tái chế, không gây ảnh hưởng môi trường… 

Hải Lý

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!