Giải tỏa áp lực môi trường trong ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, sức ảnh hưởng và tác động của nó đang ngày một rõ nét hơn. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá là sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong những năm tới đây. Để giảm thiểu thiệt hại và sống chung hòa bình với biến đổi khí hậu, việc thay đổi cần thiết sớm thực hiện, trong đó ngành thủy sản đang dần chuyển mình.

Vấn đề nổi cộm 

Những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản phát triển với tốc độ rất nhanh, mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại không ít vấn đề tiêu cực, điển hình nhất trong đó chính là ô nhiễm môi trường. Sự phát triển mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản lại kéo theo nhiều tác nhân gây biến động môi trường với quy mô ngày một lớn và đa dạng. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản đã rất cấp thiết, cần được tập trung giải quyết, xử lý nhằm đảm bảo phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản.

Do hoạt động nuôi dày đặc và sự tác động của lượng lớn hóa chất, kháng sinh nên môi trường đất trong hầu hết vùng nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây ra tình trạng suy thoái và gia tăng ô nhiễm. Chưa kể, các nguồn thải ra sông rạch đã tác động mạnh làm cho môi trường nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học. 

Tăng cường kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Ảnh: ST

Theo một số nghiên cứu thì chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản gồm cá nước ngọt, nuôi tôm ven biển đặc biệt là trong các mô hình nuôi công nghiệp đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, có sự xuất hiện các thành phần độc hại và sự lưu cữu các chất này cũng như mầm bệnh trong ao/đầm nuôi rất lớn. Và hậu quả của nó là khiến cho hoạt động nuôi trồng thủy sản ngày một khó khăn hơn, vật nuôi chậm lớn và rất dễ phát sinh dịch bệnh.

Chú trọng phát triển xanh

Sớm nhận thấy những bất cập, ngành thủy sản và các địa phương đã và đang tích cực có những thay đổi trong chiến lược phát triển. Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính…). Cùng đó, trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, cũng đã điểm tên các chương trình của ngành nông nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh. Cụ thể như: Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thông minh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên… Cùng đó là các mô hình, phương thức, quy trình, công nghệ về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản xanh, tuần hoàn, thông minh, ứng dụng công nghệ cao; các giống cây trồng, vật nuôi, đối tượng nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao, phát thải thấp, có năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, đa thiên tai.

Đặc biệt, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí và thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, chi phí và thủ tục cấp chứng nhận, trợ giá sản phẩm, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch…

Trong đó, ngành thủy sản đang được quy hoạch theo mục tiêu phát triển xanh, thân thiện với môi trường. Hiện nay, các tỉnh/thành đang tích cực xây dựng các vùng nuôi thủy sản an toàn, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tại tỉnh Cà Mau, với tiềm năng lợi thế sẵn có, tỉnh đã và đang đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản giá trị cao với mô hình tôm – rừng kết hợp. Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất giảm được giá thành và góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng. Hiện, tỉnh Cà Mau đang có trên 27.500 ha tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn, trong đó có hơn 19.000 ha được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP…). Điều đáng nói, sản phẩm xuất xứ từ các mô hình nuôi này được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.

Xác định tầm quan trọng

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 911/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030. 

Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2030, điều tra, đánh giá quản lý và kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học; Nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội từng bước được nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá; xây dựng, áp dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; Xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản. Cùng đó, mạng lưới, hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích) được triển khai hiệu quả; cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản được xây dựng và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia; Hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô…) được triển khai hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; xây dựng và ban hành được ít nhất hai kế hoạch hành động bảo tồn, bảo vệ và tái tạo một số loài thủy sản ưu tiên bảo vệ.

Cùng đó, góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; duy trì mức tăng hàng năm 8% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững. Đồng thời, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng…

>> Mục tiêu của Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản là kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!