Gỡ khó cho cá tra tại thị trường EU

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại “Diễn đàn cá tra Việt Nam: Phát triển cá tra bền vững tại thị trường EU” vừa mới diễn ra, nhiều nhà quản lý, kinh tế, doanh nghiệp đã đưa ra những ý kiến khách quan và xác thực về vấn đề này. Gần như lần đầu tiên người ta có cái nhìn toàn diện về thị trường này.

Xuất khẩu sang EU giảm mạnh

EU là một trong những thị trường truyền thống và lớn của cá tra Việt Nam, hàng năm chiếm tới 21% tỷ trọng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, từ năm 2011, tiêu thụ cá tra ở EU đã giảm mạnh. Theo đó, bốn nguyên nhân đã được chỉ ra. Đó là: suy thoái kinh tế; cá tra cạnh tranh với nhiều loại cá khác; các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lẫn nhau; thông tin bôi nhọ cá tra Việt Nam.

Xuất khẩu cá tra sang EU năm 2013 chiếm 21,9%; trong khi đó vào Mỹ 21,6%, ASEAN 7,1%, Brazil 6,9%, Trung Quốc 5,2%, các thị trường khác 31,7%. Tuy nhiên, năm 2014 xuất khẩu cá tra sang EU đã giảm và tỷ trọng chỉ còn 21,0%. Mỹ cũng giảm còn 18,4%. Một thống kê khác cho thấy năm 2013, xuất khẩu đạt 385,41 triệu USD, lại giảm 9% so năm 2012. 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu đạt 173,12 triệu USD, giảm 9% so cùng kỳ năm 2013. Xét về giá, nhiều năm qua giá xuất khẩu hầu như không tăng: năm 2013 là 1,76 euro/kg và 4 tháng đầu năm 2014 là 1,74 euro/ kg.

Hiện, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang hơn 150 nước và vùng lãnh thổ – Ảnh: An Đăng

 

Tăng sức cạnh tranh

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy, việc cạnh tranh giữa cá tra và các loại cá khác tại thị trường EU diễn ra một cách tự nhiên theo quy luật thị trường; trong đó, người tiêu dùng được hưởng lợi cả về giá lẫn sự phong phú nguồn cung và chủng loại hàng hóa. Tuy nhiên, xét về mặt xuất khẩu, nhiều ý kiến tỏ rõ sự lo ngại về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi bước ra “sân chơi” thế giới.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đánh giá: “EU là thị trường lớn đối với cá thịt trắng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lỡ nhiều đơn hàng cá tra từ EU do có quy mô nhỏ bé, hạn chế về tài chính, năng suất lao động thấp”. “Công nghệ chế biến cá tra của Việt Nam vẫn lạc hậu, chủ yếu xuất sản phẩm thô, sơ chế”. Bộ Công thương cũng nhìn nhận: “Mạng lưới phân phối cá tra tại thị trường EU còn mới, mỏng và chưa có nhiều kinh nghiệm nên cá tra Việt Nam hầu như chưa trực tiếp bán cho người tiêu dùng EU mà phải qua trung gian hoặc nhà chế biến thủy sản EU”. Bộ Công thương cho rằng cần sớm xây dựng thương hiệu quốc gia đối với cá tra và nỗ lực quảng bá thương hiệu này ra thế giới, thay vì núp bóng các doanh nghiệp chế biến nước ngoài và các nhà kinh doanh trung gian. Rõ ràng, khi đã cạnh tranh trên thị trường, vấn đề bảo vệ uy tín thương hiệu cần được đặt lên hàng đầu.

 

Vấn đề mấu chốt

Tham gia diễn đàn cá tra có hàng trăm nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và nhà quản lý đến từ châu Âu. Sau khi nghe ý kiến từ các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam, bày tỏ sự băn khoăn về giá, về việc bôi nhọ sản phẩm cá tra ở châu Âu…, ý kiến chung khách hàng EU đều giống nhau. Đó là trong cơ chế thị trường, sự hỗ trợ lớn nhất của EU chính là mở rộng cửa cho cá tra Việt Nam, còn việc cạnh tranh thế nào hoàn toàn phụ thuộc các doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường EU đón nhiều nhà nhập khẩu và họ không thể ưu ái đặc biệt mặt hàng nào.

Các nhà khoa học và quản lý từ EU đều cho rằng những vấn đề cá tra Việt Nam gặp phải như chất lượng không đồng đều, không ổn định, việc truy xuất nguồn gốc và sản xuất bền vững chưa được đặt ra đúng mức… đã được cảnh báo rất nhiều trong thời gian vừa qua và đến nay vẫn là những vấn đề trọng tâm mà các chuyên gia muốn giúp Việt Nam giải quyết.

Về phía Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thừa nhận ở Việt Nam “tồn tại nhiều loại cá tra với chất lượng khác nhau”; tình trạng này sẽ được khắc phục và Việt Nam sẽ đảm bảo cung cấp nguồn cá tra với chất lượng ổn định. Tuy vậy điều ông Tuấn lo ngại là: “Sau những đầu tư để tăng chất lượng thì giá cá tra có tăng hay không?”. Giá cá tra liên tục giảm sẽ ảnh hưởng xấu tới việc tái đầu tư vào sản xuất và chế biến.

>> Dân số EU dự kiến 522,3 triệu người vào năm 2030. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), thị trường EU phụ thuộc nguồn thủy sản nhập khẩu tới 65% và mức tiêu thụ thủy sản ở khu vực này sẽ tăng từ 22 lên 24 kg/người/năm. Như vậy, đây vẫn là thị trường lớn của mặt hàng thủy sản.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!