Hải Phòng: Hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xanh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Điển hình là mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Nguyễn Văn Đạm, xã Tân Dân, huyện An Lão (Hải Phòng). Tôm càng xanh ngoài phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên ở Hải Phòng, loại tôm này còn cho hiệu quả kinh tế bất ngờ.

Kỹ thuật không khó

Anh Đạm chia sẻ, trước kia thị trường phía Bắc khá kén giống tôm càng xanh này do đầu to. Không có đầu ra, gia đình anh Đạm đành thu gom đồ nghề, chuyển sang làm việc khác, gác lại việc tôm, cá, mãi cho đến năm 2018 mới triển khai nuôi lại. Sau đó đi phát triển thị trường ở Hải Phòng, Hà Nội bất ngờ có nhiều người yêu chuộng, đặt hàng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, việc lưu thông hàng hóa bị siết chặt, hệ thống nhà hàng khách sạn gần như đóng cửa khiến đầu ra cho tôm càng xanh bị ảnh hưởng nặng nề. Thêm vào đó, do tôm càng xanh không chịu được rét, vào mùa đông nếu chưa tiêu thụ hết mà không biết cách để bảo vệ sẽ bị chết, lúc đó thiệt hại đơn thiệt hại kép sẽ xảy ra.

Trước những khó khăn trên, anh Đạm chưa biết nên làm sao thì được cơ quan chức năng lựa chọn thí điểm mô hình “Nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn”, được hướng dẫn các công nghệ mới và học hỏi thêm nên những khó khăn đã dần được khắc phục.

Anh Nguyễn Văn Đạm kiểm tra tôm nuôi. Nguồn: thanhphohaiphong.gov.vn

Theo anh Đạm, nuôi tôm càng xanh, khó khăn nhất là vụ đông, còn lại cũng khá thuận lợi, qua mùa đông mọi thứ đều tốt. Giai đoạn ấu trùng phải sống trong môi trường nước lợ, từ giai đoạn tôm bột đến nuôi thịt sống chủ yếu ở môi trường nước ngọt, tôm vẫn có thể sống trong môi trường có độ mặn dưới 10‰. Tôm càng xanh sống được từ 18 – 38oC, nhưng tốt nhất từ 26 – 30oC, pH từ 6,5 – 8,0, thích ánh sáng vừa, ao nuôi thông thoáng, giàu ôxy.

Về ao nuôi tôm cần lựa chọn gần nguồn nước để tiện cấp và dễ thoát nước, để chủ động thay nước rồi vệ sinh xung quanh bờ, lấp các lỗ hang để không cho các loài giáp xác trú ẩn, vét bùn đáy, bón vôi với liều lượng từ 8 – 10 kg/m2, tiến hành phơi nắng khi đáy ao khô nứt nhỏ.

Sau đó cấp nước vào ao qua màn lưới để lọc các loại cá, tôm, thiên địch… giữ mức nước trong ao từ 0,9 – 1,2 m. Sau khi cấp nước vào ao tiến hành bón các loại phân để gây màu nước và ao đủ dinh dưỡng, nhiều sinh vật phù du làm thức ăn cho tôm rồi mới thả con giống vào ao nuôi.

Giá bán cao

Anh Đạm khẳng định, nuôi tôm càng xanh không vất vả như tôm thẻ chân trắng, dù năng suất thấp hơn nhiều nhưng đổi lại loại tôm này có giá bán cao. Với diện tích nuôi hơn 7ha, nếu không xảy ra dịch bệnh, mỗi năm gia đình anh Đạm thu về khoảng 15 tấn tôm càng xanh, nếu tính giá trung bình là 350.000 đồng/kg, thu về hơn 5 tỷ đồng.

Rõ ràng, với mức này, bếu đưa ra so sánh trên thị trường thì mức giá này cao hơn hẳn so với tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhưng có điều nghịch lý là hiện nay nhiều người ở Hải Phòng vẫn không dám đầu tư nuôi tôm càng xanh. Nguyên nhân do thiếu kiến thức về chuyên môn, chi phí con giống, quá trình nuôi khá đắt đỏ.

“Với diện tích 1 ha, nếu nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm có thể thu 2 vụ với sản lượng trên dưới 30 tấn nhưng nuôi tôm càng xanh chỉ được 1,5 vụ và chỉ đạt hơn 2 tấn. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng rất nhạy cảm với môi trường, dịch bệnh nhiều, trong khi đó tôm càng xanh thường ít bệnh, không cần dùng kháng sinh và hóa chất nên sẽ an toàn hơn”, anh Đạm cho biết.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, nuôi tôm càng xanh rất phù hợp với điều kiện tự nhiên thành phố Cảng, hiệu quả kinh tế cao. Giống tôm càng xanh thường đắt gấp 50 – 60 lần tôm thẻ chân trắng, còn về chi phí, nếu 1 kg tôm thẻ chân trắng mất từ 80.000 – 90.000 đồng chi phí thì với tôm càng xanh sẽ tốn gấp đôi. Tuy nhiên đổi lại, tôm càng xanh bán được giá cao và ít dịch bệnh hơn so với các loại tôm khác.

Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng khuyến cáo, một số bệnh thường gặp trên tôm càng xanh do ao bị bẩn, mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa làm cho tôm mắc bệnh sẽ khó lột xác, chậm lớn, dùng chế phẩm vi sinh xử lý đáy ao để phân hủy các chất tích tụ đáy ao, làm sạch nước. Ngoài ra tôm càng xanh còn mắc các bệnh như: đỏ đuôi, mềm vỏ… cần theo dõi thường xuyên để xử lý kịp thời.

>> Được biết, nuôi tôm càng xanh của anh Nguyễn Văn Đạm tại xã Tân Dân là mô hình thí điểm đầu tiên của huyện An Lão và qua thống kê, theo dõi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, cao hơn nhiều so với nuôi các sản phẩm cá truyền thống. Hiện mô hình được chính quyền khuyến khích người dân học hỏi, nhân rộng.

Bùi Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!